Hơn 15 năm gắn bó với Văn Miếu Diên Khánh, ông Trần Thuyết - Trưởng Ban quản lý di tích không chỉ có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm phát triển phong trào khuyến học ở địa phương, mà còn thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn di tích cấp quốc gia này.
Hơn 15 năm gắn bó với Văn Miếu Diên Khánh, ông Trần Thuyết - Trưởng Ban quản lý di tích không chỉ có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm phát triển phong trào khuyến học ở địa phương, mà còn thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn di tích cấp quốc gia này.
Chỗ dựa của học sinh nghèo
Đến thăm Văn Miếu Diên Khánh vào một ngày cuối tháng 11, dưới tán vườn xoài xanh tươi, chúng tôi thấy ông Thuyết đang xem xét lại hồ sơ của một số trường hợp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Tôi đang chuẩn bị hồ sơ của các cháu để gửi vào TP. Hồ Chí Minh. Đây là những học sinh học giỏi nhưng nhà nghèo nên chúng tôi muốn nhờ các ân nhân trong đó nhận nuôi để các cháu có thể ăn học nên người”, ông Thuyết chia sẻ. Hơn 13 năm nay, Quỹ khuyến học Văn Miếu Diên Khánh, trong đó người đi đầu là ông Thuyết đã thường xuyên liên lạc với một số người đồng hương Khánh Hòa đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ học sinh, sinh viên học tại đây. Từ sự hỗ trợ đó, nhiều em đã có điều kiện ăn học, tốt nghiệp và có việc làm. Ông Thuyết cho biết, năm 2012, trong 8 sinh viên tốt nghiệp, có 7 em đã tìm được việc làm. Hiện nay, 9 sinh viên đang được các ân nhân nhận nuôi. Tại địa phương, hàng năm vào ngày Thánh húy (ngày mất của Khổng Tử, 18-4 âm lịch), Ban quản lý Quỹ khuyến học còn tổ chức tặng thưởng cho những học sinh hiếu hạnh học giỏi, qua đó khích lệ tinh thần học tập của các em và góp phần thúc đẩy phong trào hiếu học ở địa phương.
Hơn 15 năm nay, ông Trần Thuyết luôn gắn bó với Văn Miếu Diên Khánh |
Nguyên là một nhà giáo đã về hưu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lộc Tây, nay là Trường Tiểu học thị trấn Diên Khánh), ông Thuyết luôn coi trọng phong trào hiếu học của các thế hệ trẻ. Vì vậy, để có kinh phí duy trì phong trào ấy, ông đã thực hiện bằng nhiều cách như: Tự đến nhà vận động người dân ủng hộ, viết thư ngỏ gửi những người đồng hương Khánh Hòa đã thành đạt ở các địa phương khác... Trong phần đất của di tích, gần 80 gốc xoài cao sản do ông và Ban quản lý trồng cũng đến thời kỳ thu hoạch. Ông Thuyết cho biết, với số tiền thu được từ vườn xoài này, sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ trong những năm học sau.
15 năm gắn bó với di tích
Tuy đã 82 tuổi nhưng với vai trò là người quản lý, giữ gìn di tích, ông Thuyết vẫn đều đặn ngày 2 buổi túc trực tại di tích. Đó như là một nếp sinh hoạt quá quen thuộc với bản thân ông trong suốt 15 năm qua. “Để có được khuôn viên di tích rộng gần 2ha với tường bao kiên cố như ngày hôm nay, chúng tôi đã rất khó khăn trong việc bảo vệ địa giới di tích. Vì vậy, khi di tích đã được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia thì trọng trách giữ gìn, bảo vệ di tích càng lớn hơn”, ông Thuyết bày tỏ. Bên cạnh đó, ông cũng luôn trăn trở về việc phát huy giá trị Văn Miếu Diên Khánh, phát huy những đạo lý mà đức Khổng Tử đã khai sáng và sự học tập, đỗ đạt của các nhà trí thức ngày xưa. Hàng năm, Ban quản lý di tích đều phối hợp với tổ chức Đoàn - Đội, các trường học trên địa bàn huyện để tổ chức hoạt động ngoại khóa, các chuyến tham quan. Tại đây, Ban quản lý di tích đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của di tích, ý nghĩa của việc thờ tự tại Văn Miếu, thăm bia đá ghi danh người đỗ đạt và nhà truyền thống lưu lại những tên tuổi các bậc tiền nhân được vinh danh về học tập... Điều đó đã giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị của di tích cũng như sự cao đẹp của con đường tri thức.
Ngoài ra, ông Thuyết còn tự nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu để biên soạn một số tài liệu về Nho giáo cũng như lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu Diên Khánh. Đó là những cuốn tài liệu: Tìm hiểu thuyết Nho giáo; Nguồn gốc Văn Miếu Khánh Hòa; Từ Văn Miếu Bình Khang (1736) đến Văn Miếu Bình Hòa (1803), Văn Miếu Khánh Hòa (1832) đến Văn Miếu Diên Khánh (1959)... Tuy câu chữ trong các tập tài liệu chưa thật sự gãy gọn, súc tích như một công trình nghiên cứu khoa học nhưng đã thể hiện sự tâm huyết của người viết với mong muốn con cháu ngày sau hiểu hơn về di tích này. Hiện nay, ông đang nghiên cứu để hoàn thành biểu đồ về tuổi thọ của các văn miếu phía Nam. Ông Nguyễn Văn Ghi - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Diên Khánh ghi nhận: “Tuy tuổi cao nhưng ông Trần Thuyết luôn tâm huyết với phong trào khuyến học ở địa phương. Những việc làm thiết thực của ông đã động viên, giúp đỡ nhiều học sinh nghèo được đến trường. Ông cũng luôn chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu Diên Khánh. Với những đóng góp trên, bản thân ông và Ban quản lý di tích đã nhiều lần được các cấp lãnh đạo khen thưởng”.
MAI HOÀNG