Ngư dân biết ứng phó với thiên tai, sử dụng thành thạo hải đồ, máy định vị; biết sửa chữa máy tàu khi máy bị hư hỏng; nêu cao nhận thức bảo vệ về chủ quyền biển, đảo… là kết quả mà Chương trình đào tạo nghề cho ngư dân trên địa bàn tỉnh đem lại.
Ngư dân biết ứng phó với thiên tai, sử dụng thành thạo hải đồ, máy định vị; biết sửa chữa máy tàu khi máy bị hư hỏng; nêu cao nhận thức bảo vệ về chủ quyền biển, đảo… là kết quả mà Chương trình đào tạo nghề cho ngư dân trên địa bàn tỉnh đem lại.
Hiệu quả đào tạo
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 10.000 tàu cá với khoảng 4 vạn lao động trên biển, trong đó khoảng 9.000 tàu đánh bắt xa bờ. Hầu hết ngư dân đi biển vẫn theo kiểu cha truyền con nối, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và những trải nghiệm của bản thân là chính. Vì thế, đã có không ít sự cố đáng tiếc xảy ra do thiếu hụt kiến thức về xử lý tình huống và các quy định pháp luật trên biển. Trước thực trạng đó, năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên, thợ máy tàu cá giai đoạn 2010-2015”; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ Đề án này. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, các ngành chức năng đã mở gần 100 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ cho hơn 2.500 ngư dân với tổng kinh phí thực hiện gần 4 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, đã mở 26 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ cho hơn 900 ngư dân với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.
Ngư dân cảng cá Hòn Rớ đang chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi. |
Ngư dân Lê Văn Tiện (khu vực Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) có thâm niên hơn 25 năm bám biển cho biết: “Qua đào tạo nghề thuyền trưởng, bản thân tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức quan trọng để áp dụng khi lái tàu ra khơi hành nghề. Trong khóa học, chúng tôi được hướng dẫn đường đi đánh bắt, tránh tàu, điều khiển tàu sao cho tiết kiệm dầu, cách bảo quản hải sản trên tàu... Ngoài ra, chúng tôi còn được hướng dẫn về Luật Biển, Luật Hàng hải. Nhờ đó, chúng tôi càng yên tâm ra biển và đánh bắt có hiệu quả hơn”. Những kiến thức đem áp dụng vào thực tế đã giúp thời gian vươn khơi của ngư dân Lê Văn Tiện kéo dài hơn. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt tăng cao. Sau khi trừ chi phí và trả lương cho 12 thuyền viên, thu nhập qua mỗi chuyến đi của ông từ 15 đến 20 triệu đồng… Còn ngư dân Trần Ngọc Hưng (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) có 20 năm hành nghề đi biển cho biết: “Hoạt động trên ngư trường Trường Sa, anh em bạn tàu chỉ biết đánh bắt, vận chuyển cá, còn máy móc biết sơ sơ. Khi tàu bị sự cố, chúng tôi phải gọi về cho thợ máy trong bờ hướng dẫn sửa chữa, có nhiều trường hợp không sửa chữa được phải nhờ tàu khác lai dắt vào bờ. Bây giờ, ngư dân được học lớp máy trưởng, thuyền trưởng nên nắm vững kiến thức về máy móc, có thể tự sửa chữa để tàu tiếp tục hoạt động. Nhờ vậy, ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi…”.
Tiếp tục nhân rộng
Mục tiêu của Đề án “Đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên, thợ máy tàu cá giai đoạn 2010-2015”: Đến hết năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu mở hơn 700 lớp đào tạo tay nghề; cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và thuyền viên cho gần 25.000 ngư dân. |
Qua các lớp đào tạo, ngư dân biết cách sử dụng thành thạo và sửa chữa máy tàu khi bị hư hỏng, tiết kiệm được nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản, sử dụng thành thạo hải đồ, máy định vị, ứng phó với thiên tai… Từ đó, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong mỗi chuyến ra khơi. Bên cạnh đó, ngư dân cũng nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân không chỉ tạo điều kiện để các tàu yên tâm bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả đánh bắt, mà còn giúp cho ngư dân tránh được rất nhiều rủi ro trên biển.
Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, việc đào tạo nghề cho ngư dân để giúp họ có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là hết sức cần thiết. Mô hình đào tạo nghề cho ngư dân thực sự là hướng đi tích cực, hỗ trợ đắc lực cho ngư dân vươn khơi, làm giàu từ biển. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “3 năm qua, chương trình đào tạo nghề cho ngư dân bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, nhu cầu học nghề đi biển của ngư dân trong tỉnh rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, địa phương nhân rộng chương trình này, tiến tới phổ cập nghề cho tất cả ngư dân trong tỉnh”.
Việc đào tạo nghề, phổ cập kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt cho ngư dân rất có ý nghĩa, giúp họ tự tin ra khơi làm ăn. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về lợi ích khi tham gia học nghề.
PHÚ VINH