Dẫu nắng gió Trường Sa có cháy da thịt, nhưng những người lính đảo luôn vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, vững tin bám biển, bám đảo.
Dẫu nắng gió Trường Sa có cháy da thịt, nhưng những người lính đảo luôn vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, vững tin bám biển, bám đảo.
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng đảo Núi Le, Đại úy Tiêu Quang Hợp - Chính trị viên đảo giới thiệu: “Trong tuyến đảo giữa, cùng với Tốc Tan A, hiện nay, đảo của chúng tôi đã có nhà tiếp dân với các trang thiết bị cơ bản đủ phục vụ nhu cầu lưu trú của ngư dân khi gặp sự cố trên biển”. Hình ảnh cây cầu bê-tông nhỏ nối liền khu nhà tiếp dân với khu nhà quân sự trên mỏm đá giữa trùng khơi sóng biếc khiến nhiều người xúc động. Bởi đó không chỉ là sự kết nối thắm tình quân dân mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ khi xây dựng nhà tiếp dân, nơi đây trở thành điểm lưu trú của các đoàn khách, thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ (CB-CS). Đồng thời, trung bình mỗi năm, đảo đón hơn 100 lượt tàu thuyền của ngư dân tránh trú bão, cung cấp khoảng 500 đến 1.000 lít nước ngọt, khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt ngư dân tới đảo.
Đảo Núi Le nhìn từ xa. |
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống của những người lính gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với ý chí và lòng quyết tâm cao hơn đầu ngọn sóng, các anh vẫn vững tin giữ đảo. Đại úy Nguyễn Hồng Quân - Đảo trưởng đảo Núi Le chia sẻ: “Điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt. Do đảo rộng và dài, thềm san hô lớn nên quanh năm “hứng” trọn các đợt bão, gió. Nắng ở đây cũng rất đặc biệt, bỏng rát cháy da thịt, nhưng CB-CS vẫn vượt qua để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Trên đảo, việc tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống cũng là bài toán nan giải. Để đảm bảo được rau xanh trong bữa ăn, CB-CS phải cố gắng rất nhiều, bởi việc trồng rau trên đảo gặp nhiều khó khăn. Đất màu, phân bón được tàu chở ra từ đất liền. Mỗi lần thay quân, hoặc tàu chở lương thực, thực phẩm ra đảo, CB-CS không quên mang theo cả con giống, cây giống để tăng gia. Đại úy Quân tâm sự: “Gieo trồng rau trên đảo đã khó, việc chăm bón lại càng khó hơn. Lắm hôm mưa to, gió lớn, bộ đội phải tận dụng tất cả các loại bao bì, áo mưa may thành bạt che chắn gió. Có đợt sóng quá to, bộ đội hì hục suốt đêm khiêng các bồn rau vào nhà đảo...”.
Không chỉ rau xanh, nước ngọt tại các đảo chìm “quý như vàng”, bộ đội phải chắt chiu để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Mùa mưa, bộ đội huy động đủ các loại xô, chậu, xoong, nồi hứng nước. Mùa nắng, nước khan hiếm, tiêu chuẩn bộ đội chỉ được sử dụng 5 lít/ngày/người. Vì tiêu chuẩn “eo hẹp” nên CB-CS chủ yếu để dành nước đánh răng và rửa mặt; còn tắm, giặt, bộ đội phải xuống biển, sau đó dội lại bằng nước ngọt. Nước ngọt sau khi dùng xong được đổ vào thùng để tưới rau. Làm nhiệm vụ trên đảo đã 18 tháng, Trung úy chuyên nghiệp Đàm Thanh Tuấn tâm sự, cuộc sống của anh em trên đảo tuy còn nhiều vất vả nhưng mọi người đều đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm cao trong công tác...
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân trong đất liền, đời sống của CB-CS trên đảo được cải thiện đáng kể, sóng điện thoại phủ khắp. Đảo Núi Le cũng đã có dàn karaoke, đầu thu phát tín hiệu truyền hình cáp, hệ thống năng lượng sạch... Bên cạnh đó, món ăn tinh thần của CB-CS trên đảo chính là tủ sách. Ngoài các đầu sách được cấp theo quy định, đơn vị còn được nhân dân khắp cả nước tặng sách, báo với nhiều thể loại khác nhau... Những cải thiện ấy đang từng bước góp phần hun đúc thêm ý chí cho CB-CS trên đảo luôn chắc tay súng, vững niềm tin, kiên cường bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THÀNH NAM