Thời gian gần đây, hàng loạt giếng nước ở xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bỗng dưng bị ô nhiễm. Người dân cho rằng, nguyên nhân là do nước thải từ việc chế biến cá cơm xuất khẩu tại địa phương…
Thời gian gần đây, hàng loạt giếng nước ở xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bỗng dưng bị ô nhiễm. Người dân cho rằng, nguyên nhân là do nước thải từ việc chế biến cá cơm xuất khẩu tại địa phương…
Nhiều giếng nước bị ô nhiễm
Nhiều hộ dân ở thôn Tây Nam 1 rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nước giếng. Gặp chúng tôi, ông Đào Duy Hùng phàn nàn: “Giếng nhà tôi có cách đây 7 - 8 năm, nước trong và mát. Vậy mà 2 năm trở lại đây không thể dùng được, chỉ tưới cây do nước bị ô nhiễm, đục. Càng nắng hạn, nước càng cạn và hôi...”. Ông Hùng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do nước thải từ cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu của ông Nguyễn Văn Nghề xả thẳng vào đám bạch đàn chỉ cách giếng nước nhà ông chừng 30m. Múc gàu nước lên quan sát, chúng tôi thấy nước vẩn đục và có mùi hôi.
Bà Trần Thị Thu Lan - người dân ở đây càng khổ hơn vì đang bị bệnh thận nhưng không có nước dùng, phải đi xin nước mỗi ngày. Bà Lan cho biết: Trước đây giếng nước của gia đình bà rất tốt, nước trong, nhưng một vài năm gần đây bỗng trở màu, đục và có mùi hôi. Nước xấu, gia đình chỉ để vệ sinh chứ không dám uống. Gia đình rất khó khăn nhưng bà phải bỏ tiền mua nước lọc, 2 - 3 ngày/bình với giá từ 10.000 đến 12.000 đồng. Gần đây, bà Lan xin nước sạch của một số hộ dân trong vùng hưởng thụ từ dự án nước sạch suối Para. Tuy nhiên, để có nước sạch, bà Lan không đủ tiền bắt đường ống nước. Bà Lan khẳng định, giếng nước của bà bị ô nhiễm là do nước thải từ sản xuất cá cơm của 2 hộ trong khu vực. Quan sát trực tiếp, chúng tôi nhận thấy giếng bà Lan cũng có mùi hôi như nước giếng nhà ông Hùng.
Ông Đỗ Văn Cuộc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lãnh cho biết: Khu vực này trước đây giếng rất tốt, nước trong và mát nhờ mạch từ núi chảy xuống, không hề có mùi hay vị lạ. Thế nhưng, vài năm gần đây, hàng loạt giếng nước trong khu vực đều bị ô nhiễm. Thời gian trước, cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu của bà Lê Thị Lý gây ô nhiễm môi trường trầm trọng bị huyện xử lý buộc di dời. Hiện nay, trong khu vực có 2 hộ đang chế biến cá cơm là: Ông Nguyễn Văn Nghề và ông Phan Văn Thảo. Trong đó, hộ ông Nghề sản xuất quy mô lớn hơn, có ngày đến 2 - 3 tấn. Tuy nhiên, nước trụng cá không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Ông Cuộc khẳng định đây chính là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Năm ngoái, giếng của ông Lại Tấn Cường (người dân trong xã) bị ô nhiễm nên phải đập bỏ và đưa nước suối về dùng. Ông Cuộc cho biết, hiện nay trên địa bàn xã, có đến 10 giếng bị ảnh hưởng bởi nước thải chế biến cá.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Hiện tượng ô nhiễm nước giếng là có thật và xảy ra khá lâu. Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Trên địa bàn có nghề chế biến cá cơm khô xuất khẩu. Các cơ sở tập trung tại khu vực ven biển (các thôn Đông Nam, Đông Bắc) và một phần thôn Tây Nam 1. Tuy nhiên, các cơ sở này đều không có hệ thống xử lý, nước thải cho thấm trực tiếp vào đất, vào cát nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Xã có tổ vệ sinh môi trường kiểm tra. Nhưng với lý do sản xuất ít, phụ thuộc vào mùa vụ nên các cơ sở này tránh né không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lâu ngày thẩm thấu vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, xã Đại Lãnh cũng đang đối mặt với hiện tượng nhiễm mặn, nguồn nước giếng có thể bị ảnh hưởng. Thời gian qua, được sự đầu tư của huyện, hệ thống nước sạch lấy từ suối Para đã đến được với các hộ dân trong xã, nhưng nước chỉ mới được xử lý cơ học, lắng lọc. Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khoảng 30% số hộ dân trong xã. Hiện nay, UBND xã đang đề nghị UBND huyện xây dựng hệ thống nước sạch quy mô, có xử lý theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nhưng do thiếu vốn đến nay chưa được triển khai. Ông Thú cho biết, thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường việc kiểm tra, xử phạt các hộ gây ô nhiễm mà thời gian trước đây chỉ dừng lại ở bước nhắc nhở.
Những ý kiến kết luận về nguyên nhân gây ô nhiễm nói trên chỉ mang tính cảm quan. Việc xác định đúng nguyên nhân ô nhiễm phải do các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, không thể loại trừ nguyên nhân ô nhiễm nước giếng là do việc chế biến cá cơm ở khu vực. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao để nhanh chóng xác định nguyên nhân, khắc phục tình trạng này.
V.L