10:05, 28/05/2013

Vượt sóng… cứu người

Mắt luôn nhìn ra biển, sẵn sàng lao vào những cơn sóng dữ để cứu người bị nạn là công việc thường xuyên của những người làm nghề cứu hộ ở bãi biển Nha Trang.

Mắt luôn nhìn ra biển, sẵn sàng lao vào những cơn sóng dữ để cứu người bị nạn là công việc thường xuyên của những người làm nghề cứu hộ ở bãi biển Nha Trang.


Chuyện nghề


17 giờ một ngày đầu năm 2013, bãi biển Nha Trang xuất hiện những con sóng bạc đầu. Bỗng nhiên có tiếng thét: “Cứu”, “Có người chết đuối”, một nam thanh niên đang chới với giữa biển nước. 2 thành viên của Trạm CH số 2 (chốt cạnh Cửa hàng mỹ nghệ, Công viên bờ biển Trần Phú) không chần chừ lao xuống biển. Trong phút chốc, các anh đã tiếp cận được nạn nhân, nhưng sóng quá lớn nên không thể dìu được nạn nhân vào bờ. Nhanh trí, anh Tô Văn Nhiều - Đội phó Đội CH gọi điện cho Trạm CH số 1 (cạnh Sailing Club) nhờ anh em trên đó liên hệ với đơn vị kinh doanh dịch vụ giải trí hỗ trợ. Ngay lập tức, một chiếc jetski của Doanh nghiệp Biển Hoa rẽ sóng lao vun vút tới tiếp cận rồi đưa nạn nhân vào bờ cấp cứu.

 Vì không có chòi canh nên nhân viên cứu hộ phải luôn ra sát mép nước để trông chừng xảy ra tai nạn.
Vì không có chòi canh nên nhân viên cứu hộ phải luôn ra sát mép nước để trông chừng xảy ra tai nạn..


Đó chỉ là một trong hàng trăm pha CH mà Đội CH đã trải qua trong thời gian gần đây. Sổ nhật ký của Đội CH đã ghi lại hàng trăm lần CH thành công các nạn nhân bị đuối nước với nhiều lý do khác nhau như: bị sóng cuốn, động kinh, tự tử... Chỉ tính từ tháng 10-2012 đến nay, đội đã tham gia CH 33 vụ đuối nước, cứu sống khoảng 40 người, trong đó có cả du khách nước ngoài. Mới nhất, ngày 5-5, đội cứu sống chị P.T.N (21 tuổi, huyện Vạn Ninh), khi chị tự vẫn ở bãi biển phía trước Khách sạn Hải Yến.

Tập huấn nâng cao kỹ năng cấp cứu người bị đuối nước.
Tập huấn nâng cao kỹ năng cấp cứu người bị đuối nước.


Theo anh Nguyễn Văn Hùng - phụ trách Đội CH bãi biển Nha Trang, nghề CH ở bãi biển nhìn qua tưởng nhàn nhã, thế nhưng áp lực rất lớn. Hàng ngày, anh em phải chia ca làm việc từ 4 giờ 30 đến 21 giờ. Trong khi làm việc, anh em phải chú ý xem du khách nào bơi quá xa để nhắc nhở quay vào bờ, phải phân biệt đâu là du khách, đâu là người địa phương để có những nhắc nhở cần thiết, để ý những người có dấu hiệu “bất thường” nhằm sẵn sàng ứng cứu. Nhờ vậy, anh em đã cứu được không ít trường hợp tự tử vì buồn chán chuyện gia đình, chuyện tình cảm. Những người làm nghề CH cho biết, nghề này vất vả nhất vào mùa đông. “Khi bãi tắm vắng vẻ, chúng tôi càng phải chú ý hơn, bởi nếu người tắm biển bị đuối sức, hụt chân hay vọp bẻ thì ít có người phát hiện sớm để kêu cứu…” - anh Nguyễn Anh Tùng, nhân viên CH giải thích. Theo anh Tùng, làm nghề này, bên cạnh việc bơi giỏi cần phải có lòng dũng cảm, bởi giữa những con sóng cao ngất, không phải ai cũng đủ can đảm để lao ra biển...

 Nhân viên Đội cứu hộ nhắc nhở một người tắm biển vì bơi quá xa.
Nhân viên Đội cứu hộ nhắc nhở một người tắm biển vì bơi quá xa.


Nghề CH có nhiều chuyện rất oái oăm, dở khóc dở cười. Cách đây khoảng một tháng, có người báo, tại bãi tắm phía trước Bảo tàng tỉnh có người chết đuối, áo quần, dép của nạn nhân còn để trên bờ. Anh em CH chia nhau bơi, lặn tìm kiếm nạn nhân. Khi mọi người đang đỏ mắt tìm kiếm thì “nạn nhân” lù lù xuất hiện. Hỏi ra mới biết, anh này bơi từ bãi biển phía trước Bảo tàng tỉnh đến Quảng trường 2-4 rồi đi bộ về; những người tắm gần đó cứ tưởng anh này đã “làm mồi cho hà bá” nên gọi lực lượng CH. Lần khác, có người đàn ông chạy vội lên bờ kêu la: “Vợ tôi chết đuối rồi”, còn 2 đứa con đi cùng khóc lóc gọi mẹ làm cả bãi biển nhốn nháo. Những nhân viên CH gần đó lao ngay xuống biển, nhiều nhân viên ở nơi khác cũng chạy đến tìm kiếm nạn nhân. Trời tối dần nhưng dấu tích của người phụ nữ xấu số vẫn mờ mịt. Bỗng dưng, người chồng xuất hiện tươi cười báo tin: “Tìm thấy vợ tôi rồi, cô ấy đang ở khách sạn xem ti vi. Cô ấy tắm xong rồi về luôn nhưng không nói lại với ai nên tôi cứ tưởng…”.


Không chờ trả ơn


“Nghề CH trông giản đơn, nhưng đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Nếu vì tiền, không ai đi làm nghề CH, bởi lương rất thấp” - đó là tâm sự chung của nhiều anh em CH khi nói về nghề của mình. Họ đến với nghề CH vì yêu biển, cũng là muốn đem lại sự bình yên cho người dân, du khách yêu mến biển Nha Trang. “Nhà Phật dạy, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Vì vậy, bên cạnh việc kiếm sống, anh em chúng tôi chọn nghề CH còn muốn tạo phúc ở đời…” - anh Nhiều bày tỏ. Khi CH, các anh không bao giờ nghĩ đến chuyện được trả ơn, mà có khi được người ta nhớ nên trả ơn nồng hậu thì các anh cũng không nhận. “Có lần, chúng tôi cứu một em nhỏ ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang). Hôm sau, bố của em đó biết chuyện đã mang tiền đến cảm ơn, nhưng chúng tôi không nhận. Năn nỉ mãi, chúng tôi đành bảo phụ huynh này gọi cho mấy ly cà phê để ghi nhận tấm lòng, còn tiền thì không lấy” - anh Hùng kể. Bên cạnh đó, cũng có người được cứu sống đã mang đến 2 thùng bia để cảm ơn anh em CH, có du khách viết thư cảm ơn Đội CH đã “tái sinh” sự sống cho mình… Đến giờ, anh Nhiều vẫn còn giữ lá thư của một cựu học sinh Trường Dự bị Đại học Nha Trang gửi cảm ơn, vì đã cứu em thoát chết trong một lần tắm biển ở phía trước Quảng trường 2-4.
Với người làm công tác CH, nỗ lực bao nhiêu cũng là không đủ. Bởi mỗi khi nhìn người thân của các nạn nhân vật vã khóc lóc, các anh lại cảm thấy áy náy, day dứt dù đó không phải là lỗi của mình. Cho đến giờ, anh Dương Anh Khoa vẫn day dứt về cái chết của nữ sinh viên ngành Y vào năm 2008: “Cô ấy đi tắm biển với bạn trai thì bị sóng cuốn trôi. Nghe tiếng kêu cứu, chúng tôi bơi ra kéo nam thanh niên vào bờ. Khi ấy, mấy người chơi đá banh mới nói còn một người nữa đang ở ngoài kia. Khi chúng tôi đưa vào bờ thì cô ấy đã bị hôn mê sâu nên không thể qua khỏi…”.

 Nhân viên Đội cứu hộ lao vào sóng dữ cứu người.
Nhân viên Đội cứu hộ lao vào sóng dữ cứu người.


Thiếu thốn đủ bề


CH là một công việc rất quan trọng, nhưng hiện nay, công tác CH ở Nha Trang đang thiếu thốn đủ bề. Ông Trương Kỉnh - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết: “Khi mới sáp nhập, Đội chỉ có 28 thành viên, chốt chặn từ bãi biển ở khu vực trước UBND tỉnh đến Khu nghỉ mát Anna Mandara. Trong khi đó, khu vực bãi biển phía Bắc TP. Nha Trang rất nguy hiểm, thường xuyên có người chết đuối nhưng không có lực lượng CH. Chúng tôi đã phải xin thêm 20 người, nhưng TP. Nha Trang chỉ cho tuyển 10 người”. Hiện nay, Đội CH có 38 thành viên, chia làm 3 tổ, nhưng tổ ở khu vực bãi biển phía Bắc TP. Nha Trang không có nhà để cất giữ dụng cụ, tư trang cá nhân nên phải gửi nhờ ở trạm của thanh niên xung kích; còn 2 nhà làm việc ở công viên bờ biển đường Trần Phú cũng chưa có nhà vệ sinh, trong khi đội phải làm việc từ 4 giờ 30 sáng - giờ các nhà vệ sinh công cộng chưa mở cửa. Hiện tại, Đội có 3 ca nô (1 ca nô 200CV, 1 ca nô 40CV, 1 ca nô 15CV) nhưng không giúp được nhiều cho việc CH, bởi thời gian để chuyển ca nô từ trên bờ xuống nước rất lâu, trong khi cứu người là chuyện trong nháy mắt. Việc CH đang gặp khó khăn do không có đài quan sát, không có ống nhòm, bộ đàm để liên lạc, thiếu đồ lặn... “Chúng tôi đã đề xuất mua jetski, tấm lướt CH… để phục vụ cho công việc nhưng chưa được phê duyệt vì khó khăn về kinh phí” - anh Hùng cho biết. Nhiều anh em CH tâm sự, có nhiều trường hợp nếu như được trang bị tốt hơn thì mọi sự đã khác… Nhiều du khách nước ngoài nhận xét, lực lượng CH ở Nha Trang còn “nghiệp dư”. Anh Jon Boy - khách du lịch đến từ Australia nói: “Sự xuất hiện của lực lượng CH làm chúng tôi yên tâm hơn. Tuy nhiên, lực lượng CH ở đây chưa có phương tiện liên lạc và trang thiết bị phục vụ cho công tác CH. Ngành Du lịch địa phương cần chú ý hơn đến vấn đề này. Nha Trang sẽ thu hút du khách hơn nếu họ cảm nhận mình đang được bảo vệ an toàn”.

Nhân viên của Đội Cứu hộ bãi biển Nha Trang cứu người bị sóng cuốn ở bãi biển đối diện đường Lý Tự Trọng vào cuối năm 2012.(
Nhân viên của Đội Cứu hộ bãi biển Nha Trang cứu người bị sóng cuốn ở bãi biển đối diện đường Lý Tự Trọng vào cuối năm 2012.


Chia tay những người CH, tôi nhớ mãi câu nhắn nhủ của các anh: “Nhờ anh viết hộ rằng, các trường, các gia đình cần khuyên bảo con em mình không nên tắm biển vào những ngày biển động, không nên gắng sức bơi quá xa... Biển cả mênh mông, trong khi chúng tôi chỉ có vài phút để cứu người”.


XUÂN THÀNH

 



Ông Trương Kỉnh - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang: Để bảo đảm an toàn cho du khách, không nên chỉ trông chờ vào lực lượng CH chuyên nghiệp, các đơn vị kinh doanh du lịch phải tự biết bảo vệ du khách của mình. Theo tôi, ngành Du lịch cần yêu cầu các đơn vị có đặt dù ở bãi biển tập huấn cho nhân viên bảo vệ về nghiệp vụ CH, cứu nạn trên biển, phải có phương tiện CH tại chỗ… Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các khách sạn dọc đường Trần Phú về vấn đề này.



Đội CH bãi biển Nha Trang được thành lập năm 2000 với 7 người, trực thuộc Ban quản lý Công viên bờ biển. Tháng 3-2002, Ban quản lý Công viên bờ biển giải thể, những người này được sáp nhập vào Đội Thanh niên xung kích. Từ tháng 10-2012, Đội CH được chuyển về Ban quản lý vịnh Nha Trang. Hiện nay, Đội có 2 tổ phụ trách ở bãi biển đường Trần Phú (từ UBND tỉnh đến Công viên Thanh niên), tổ còn lại phụ trách bãi biển phía Bắc TP. Nha Trang.