Sau gần 10 tháng lò đốt rác thải y tế đặt tại Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa ngừng hoạt động, các cơ sở y tế, Bệnh viện tại Nha Trang phải tự xử lý chất thải y tế rắn nguy hại. Tuy công tác xử lý các chất thải này đảm bảo môi trường, nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
Sau gần 10 tháng lò đốt rác thải y tế (RTYT) đặt tại Bệnh viện (BV) Da liễu tỉnh Khánh Hòa ngừng hoạt động, các cơ sở y tế, BV tại Nha Trang phải tự xử lý chất thải y tế rắn nguy hại (CTYTRNH). Tuy công tác xử lý các chất thải này đảm bảo môi trường, nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
Mỗi nơi một kiểu
Từ khi khu nhà 12 tầng của BV Đa khoa (BVĐK) tỉnh đi vào hoạt động, lượng RTYT thải ra nhiều hơn trước nên lò hấp RTYT của BV chạy hết công suất để xử lý CTYTRNH thành rác thải thông thường. Để dễ kiểm soát, khu vực chứa RTYT của BV được chia thành 2 phòng, một phòng lạnh dùng để chứa CTYTRNH và phòng chứa rác thải thông thường.
Cử nhân Dương Nữ Tường Vy - Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BVĐK tỉnh cho biết, BV có quy mô 1.000 giường bệnh, mỗi ngày thải ra gần 500kg RTYT. Từ khi lò đốt RTYT tại BV Da liễu ngừng hoạt động (tháng 8-2012), nhân viên của Khoa phải xử lý CTYTRNH bằng lò hấp dụng cụ y tế để loại bỏ hết vi khuẩn. Đây là phương pháp xử lý tiệt trùng hấp ướt áp lực cao, thực hiện bằng chương trình tiệt trùng Autoclave với nhiệt độ 1340C trong 15 phút. Sau khi CTYTRNH được xử lý xong, số rác này sẽ được đưa ra bãi rác Rù Rì, phía Bắc TP. Nha Trang để đốt. Phương pháp này đã được Sở Tài nguyên - Môi trường và Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, theo bà Vy, đây chỉ là giải pháp mang tình tình thế. Vì nếu máy hấp rác này bị hỏng thì lượng RTYT sẽ xử lý như thế nào? Ngoài ra, để sử dụng phương pháp này phải cần đến 3 nhân viên thực hiện các công đoạn xử lý, giám sát, điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chung của Khoa. “Hiện nay, một số công ty đặt vấn đề sẽ nhận đốt, phân loại rác cho BV. Đây là giải pháp mang tính bền vững. Nhưng với mức giá các công ty đưa ra từ 25.000 đến 30.000/kg, bình quân mỗi tháng, BV phải chi trả khoảng 400 triệu đồng, cao gấp 6 lần so với chi phí hiện nay và trước đây. Số tiền này vượt quá khả năng chi trả của BV”, bác sĩ Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết.
Nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang hấp rác thải y tế. |
Tại BV Da liễu, sau khi lò đốt bị hư, BV xử lý CTYTRNH bằng cách tự đốt. “Mỗi ngày, lượng RTYT của BV chỉ khoảng 2kg nên BV tự đốt. Do BV nằm ở khu vực xa dân cư nên không ảnh đến môi trường sống của người dân. Đây là giải pháp tình thế mà BV sử dụng trong khi chờ có lò đốt RTYT mới”, bác sĩ Trần Thị Song Thanh - Giám đốc BV Da liễu nói.
Với số lượng RTYT ít, từ 1,5 đến 2kg/ngày, BV Y học cổ truyền, BV Lao và bệnh phổi cũng thực hiện việc xử lý RTYT bằng cách đào hố sâu trong khuôn viên BV, rồi đốt bằng xăng hoặc cồn. Lãnh đạo của các BV này cũng nhận định, tuy cách làm trên không đúng quy trình nhưng vẫn phải làm, vì để rác càng lâu sẽ càng gây ô nhiễm môi trường. Theo các BV, hiện nay, việc xây lò đốt RTYT tập trung cho Nha Trang là rất cần thiết, hoặc phải có phương án, công nghệ lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng RTYT hiện nay.
Sẽ có giải pháp
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, lượng phát sinh CTYTRNH của các cơ sở y tế công lập do ngành Y tế quản lý khoảng 750kg/ngày. Trước tình hình lò đốt RTYT đặt tại BV Da liễu ngừng hoạt động, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Nha Trang thực hiện xử lý chất thải lây nhiễm, chất thải phẫu thuật theo phương pháp khử khuẩn bằng nhiệt ướt (autoclave). Sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, chất thải này được xử lý như chất thải thông thường. Đối với chất thải y tế là vật sắc nhọn, sau khi khử khuẩn phải thực hiện chôn lấp theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 22 của Quy chế quản lý chất thải y tế theo Quyết định số 43 ngày 30-11-2007 của Bộ Y tế. Lượng CTYTRNH phát sinh tại các cơ sở y tế tư nhân (khoảng 100kg/tháng) cũng được xử lý như quy trình nêu trên.
Hiện nay, Công ty TNHH Môi trường Việt Mỹ đang triển khai Dự án Nhà máy xử lý RTYT, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2013. Bên cạnh đó, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Aikawa Asia Bussiness Consultants sẽ viện trợ một lò đốt chất thải y tế công suất 300kg/giờ, đảm bảo việc xử lý CTYTRNH trên địa bàn TP. Nha Trang.
Sở Y tế đang hoàn chỉnh kế hoạch quản lý chất thải y tế đến năm 2015. Theo kế hoạch, sẽ đầu tư các thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công nghệ mới theo mô hình xử lý tại chỗ cho các cơ sở y tế thuộc các huyện, thị xã, TP. Cam Ranh và theo cụm đối với các cơ sở y tế tại TP. Nha Trang.
THẢO LY