Đây là một trong những nội dung kết luận của ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại cuộc họp thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát...
Đây là một trong những nội dung kết luận của ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐĐBQH) tỉnh tại cuộc họp thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát của ĐĐBQH tỉnh trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch (ĐK-QLHT) (từ tháng 1-2007 đến hết tháng 12-2012) trên địa bàn tỉnh, diễn ra chiều 3-5.
Theo dự thảo báo cáo, thời gian qua, công tác ĐK-QLHT trên địa bàn tỉnh được triển khai khá đồng bộ. Công tác đăng ký hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử...) cơ bản được thực hiện đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của người dân. Công tác lưu trữ sổ và hồ sơ đăng ký hộ tịch đã được các địa phương quan tâm; tuy nhiên, việc lưu trữ chủ yếu vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công nên công tác tra cứu dữ liệu còn khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh có 163 người làm công tác tư pháp, nhìn chung đáp ứng nhu cầu thực hiện công tác ĐK-QLHT. Tuy nhiên, do có nhiều văn bản cùng điều chỉnh các vấn đề khác nhau trong lĩnh vực hộ tịch nên dẫn đến phức tạp, chồng chéo, khó áp dụng... Báo cáo của đoàn giám sát kiến nghị cần thay đổi quy định về phương thức ĐK-QLHT thủ công như hiện nay; sớm triển khai việc cấp số định danh cá nhân; xây dựng chế định hộ tịch viên...
Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh sự cần thiết ban hành quy định cụ thể về việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, trong đó, trước mắt cần xây dựng và thí điểm phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại một số tỉnh, thành phố. Về lâu dài, hộ tịch cần được quản lý thống nhất về một đầu mối dựa vào nơi sinh. Các nội dung như: kết hôn, nhận nuôi con nuôi, ly hôn, mất tích, chết... cần được cập nhật tại nơi sinh, qua đó tránh được tình trạng cắt khúc, tản mạn trong quản lý.
N.V