09:05, 28/05/2013

Rừng đầu nguồn Vạn Ninh đang bị xâm hại

Tình trạng người dân khai thác gỗ trái phép ở rừng đầu nguồn suối Hương, suối Mỳ… (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) diễn ra đã lâu. Nếu các đơn vị chức năng không quyết liệt ngăn chặn thì một ngày không xa, rừng sẽ cạn kiệt.

Tình trạng người dân khai thác gỗ trái phép ở rừng đầu nguồn suối Hương, suối Mỳ… (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) diễn ra đã lâu. Nếu các đơn vị chức năng không quyết liệt ngăn chặn thì một ngày không xa, rừng sẽ cạn kiệt.


Báo động nạn phá rừng


Trong vai những thầy thuốc Đông y đến rừng suối Hương, suối Mỳ tìm cây thuốc, chúng tôi được anh N.V.Th. ở làng Đình Lộc (xã Vạn Bình) dẫn vào rừng. Trên đường từ Dốc Mỏ lên suối Hương, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân lầm lũi kéo từng lóng gỗ sơn huyết, huỷnh, kiền kiền… Dừng chân nghỉ ở quán nước ngay bìa rừng, anh Th. cho chúng tôi biết, 2 quán nước này tồn tại đã chục năm nay. Nơi đây chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ khoảng 15 phút đi bộ, là điểm dừng chân của người dân xã Vạn Phú và Vạn Bình… trước lúc đưa gỗ xuống núi. Hướng ánh mắt về phía con đường mòn sâu hun hút dưới tán rừng, anh N.V.Th. cho biết: “Đó là con đường độc đạo từ Dốc Mỏ lên suối Hương, suối Mỳ, Lỗ Bầu, Hòn Dù (khu vực giáp ranh tỉnh Phú Yên) - nơi các “thợ rừng” hàng ngày xẻ gỗ”.

Kéo gỗ qua những dốc đá.
Kéo gỗ qua những dốc đá.


Từ quán nước, chúng tôi vượt đường rừng để đến Suối Đát, dốc Cắt, suối Gà, suối Hương, suối Mỳ… Trên đường đi, chúng tôi luôn nghe được tiếng máy cưa vọng lại từ những khoảng rừng xa. Anh Th. cho biết, đó là tiếng máy cưa của những đối tượng khai thác gỗ lậu. Vào mùa thả tôm hùm giống, mùa xây dựng, khi nhu cầu gỗ tăng cao, trong rừng có hàng chục chiếc máy cưa tham gia xẻ gỗ.


Gặp chúng tôi trên đường kéo gỗ ra khỏi rừng, ông Tám râu (53 tuổi, xã Vạn Phú) cho biết: “Tôi đi làm rừng từ khi 14 tuổi. Trước đây, rừng Vạn Bình, Vạn Phú… còn rất nhiều cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao như: chò, sao, hương…, nhưng vì khai thác quá mức nên bây giờ rất hiếm. Giờ đây, những “thợ rừng” như chúng tôi chỉ còn khi thác được gỗ cây trâm, sơn, huỷnh… mà thôi”. Hỏi ra mới biết, từ 3 giờ sáng, những người này đã cơm đùm cơm nắm vào rừng kéo gỗ. Trước đó, họ đã đi khắp rừng suối Hương, suối Mỳ, lỗ Bầu… để tìm cây ưng ý, sau đó mới thuê máy cưa hạ cây, xẻ hộp, cứ mỗi cây sẽ cho ra khoảng 4 - 5 hộp gỗ kích cỡ khoảng 12x20cm, dài từ 2,5 đến 3,5m. Nếu vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng thì mỗi hộp gỗ như thế có giá 500 - 700 nghìn đồng đối với gỗ huỷnh, kiền kiền…, hơn 8.000 đồng/kg đối với gỗ sơn huyết. Chúng tôi hỏi: “Các ông không sợ bị lực lượng quản lý bảo vệ rừng bắt giữ à?”, người đàn ông tự xưng tên Hùng (xã Vạn Bình) nói: “Chúng tôi cũng có bị bắt, nhưng cán bộ giữ rừng ở Trạm quản lý rừng Dốc Mỏ chỉ có 2 người, trực gác ở gần trạm, lâu lâu mới lên núi kiểm tra. Nếu có động thì tụi tôi tẩu tán gỗ”. Theo lời kể của các “thợ rừng”, tuy biết vào rừng khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng họ vẫn làm bởi thu nhập từ việc này cao hơn nhiều so với các nghề khác như: phụ hồ, nuôi tôm thuê… Chính vì vậy, không ít thanh niên đã gia nhập đội quân khai thác gỗ lậu này.

1
Con đường mòn do người kéo gỗ mà thành.


Đến rừng suối Hương, suối Mỳ, chúng tôi bắt gặp không ít cây rừng dài hàng chục mét, đường kính khoảng 0,8 - 0,9m đã bị đốn hạ, cây lớn ngã đè gãy cây nhỏ, những hộp gỗ, bìa gỗ, mạt cưa nằm ngổn ngang, có không ít cây lớn rỗng ruột cũng bị hạ không thương tiếc. Anh N.V.Th. cho biết: “Ở khắp cánh rừng này có nhiều cây gỗ lớn, do vậy, “thợ rừng” thường tập trung khai thác. Chỉ cần đi vài chục mét là có thể bắt gặp ngay một cây đã bị xẻ thịt. Trước đây, “thợ rừng” chủ yếu khai thác gỗ lậu ở rừng gần, nhưng làm mãi cũng hết nên họ chuyển sang rừng xa. Không chỉ rừng suối Hương, suối Mỳ mà cả những cánh rừng giáp ranh với tỉnh Phú Yên cũng bị xẻ thịt”.


Sẽ lập chốt chặn

1
Một cây gỗ có đường kính hơn 0,6m vừa bị xẻ thịt tại khu vực suối Mỳ.


Theo Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vạn Ninh, gỗ lậu được “thợ rừng” khai thác ở khu vực suối Hương, suối Mỳ, lỗ Bầu… chủ yếu bán lại cho các xưởng mộc ở thị trấn Vạn Giã, xã Vạn Bình, Vạn Phú… nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng, làm đồ mộc gia dụng hoặc đóng lồng, bè nuôi tôm hùm. Khu vực rừng bị khai thác trái phép đang là rừng sản xuất thuộc các tiểu khu 8, 13, 16 (xã Vạn Bình), tiểu khu 12 xã Vạn Khánh và một số khoảnh rừng phòng hộ giáp ranh tỉnh Phú Yên. Ông Trần Nhiều - Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Vạn Ninh (đơn vị chủ rừng) cho biết: “Tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép tại khu vực suối Hương, suối Mỳ đã diễn ra mấy năm nay, chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát. Tuy chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, tổ chức truy quét, nhưng cứ mỗi lần vào rừng lại thấy người dân về tay không nên không thể xử lý. Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ chỉ có 2 người, trong khi diện tích rừng được giao rất lớn nên không quản lý hết”.

1
Ngang nhiên vận chuyển gỗ trên đường.


Mới đây, lực lượng của chủ rừng và Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh đã tiến hành tuần tra rừng tại khu vực suối Hương, suối Mỳ. Khi các lực lượng vào rừng thì gặp hơn chục “thợ rừng” tay không xuống núi. Chúng tôi được biết, chỉ cần lực lượng chức năng vào rừng là có người điện thoại cho “thợ rừng” tẩu tán số gỗ đã khai thác… Sắp tới, đơn vị chủ rừng sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh tiến hành tuần tra, khảo sát những khu vực rừng bị xâm hại để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Ông Trần Nhiều cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ thành lập một tổ công tác gồm lực lượng của Ban quản lý và Kiểm lâm để tiến hành truy quét các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, trên tuyến đường vận chuyển gỗ của các đối tượng, chúng tôi sẽ thành lập một chốt để ngăn chặn tình trạng phá rừng. Về lâu dài, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng chức năng của huyện, xã kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép”.  

1
“Thợ rừng” ngồi nghỉ sau khi vượt một con dốc cao.


Trên đường từ làng Đình Lộc ra Quốc lộ 1A, chúng tôi bắt gặp không ít “thợ rừng” chở những hộp gỗ trên xe đạp. Trước tình trạng này, nếu các đơn vị chức năng huyện không có giải pháp hữu hiệu thì chẳng bao lâu, rừng Vạn Ninh sẽ cạn kiệt.  


B.L