06:05, 29/05/2013

Phạt 50 triệu đồng nếu truyền hình quảng cáo sai sự thật

Đài truyền hình phát thông tin, quảng cáo sai sự thật thì có thể bị phạt tiền ở mức cao nhất là 50 triệu đồng...

 

Nhằm hạn chế các hành vi lừa đảo qua mô hình bán hàng trên truyền hình, hiện nay, pháp luật đã và đang bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo đó, các đơn vị truyền hình – nơi cung cấp giải pháp kỹ thuật để truyền bá các chương trình quảng cáo và bán hàng của doanh nghiệp, đồng thời với tư cách là một bên liên quan trực tiếp đến việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bản thân các đài truyền hình cũng phải chịu trách nhiệm liên đới bảo đảm thông tin chính xác cho các bên.

Ngay từ năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định rõ ràng và cụ thể tại Điều 13 quy định trách nhiệm của bên thứ ba (đơn vị truyền hình) trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như vậy, các đài truyền hình phải có trách nhiệm bảo đảm về tính chính xác, đầy đủ thông tin của hàng hóa, dịch vụ. Để thực hiện trách nhiệm này, nhà đài được phép yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu để chứng minh nội dung quảng cáo và phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp thông tin quảng cáo không chính xác.

Theo Nghị định 19/2012/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 8 có ghi rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân là bên thứ ba cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; không có chứng cứ chứng minh hoặc không thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông là bên thứ ba không có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để quấy rối người tiêu dùng.

Như vậy, đài truyền hình nếu vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thì có thể bị phạt tiền ở mức cao nhất là 50 triệu đồng và có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 12 tháng.

Với những quy định về trách nhiệm liên đới của đài truyền hình trên đây, trường hợp người tiêu dùng phát hiện các doanh nghiệp quảng cáo và bán hàng có dấu hiệu lừa đảo thì có thể liên hệ trực tiếp tới các đài truyền hình thông báo về dấu hiệu vi phạm và đề nghị đài truyền hình có trách nhiệm kiểm tra thông tin và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể phản ánh các thông tin lừa đảo người tiêu dùng tới Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương thông qua số điện thoại 04.3938.7846 hoặc gửi thông tin khiếu nại thông qua Trang tin bảo vệ người tiêu dùng tại địa chỉ: http://bvntd.vca.gov.vn.

Theo VOV