01:05, 08/05/2013

Ô nhiễm từ bãi rác... chuyện dài khó giải

Chuyện ô nhiễm luôn là đề tài “nóng” của những người dân sống quanh bãi rác. Song để giải quyết được vấn đề này còn rất khó khăn...

Chuyện ô nhiễm luôn là đề tài “nóng” của những người dân sống quanh bãi rác (BR). Song để giải quyết được vấn đề này còn rất khó khăn...


Sống chung với ô nhiễm


Nhiều năm nay người dân xung quanh khu vực BR Dốc Đỏ (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) sống không yên bởi mùi khói, mùi hôi phát ra từ BR. Chị Hoàng Thị Xinh (thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam) coi việc ngửi mùi hôi từ BR là chuyện thường tình. Hàng ngày, người dân xung quanh BR vẫn phải hít cái mùi khó chịu bốc ra từ BR. “Xe chở rác chạy cả ngày từ lúc 4 - 5 giờ sáng. Rác đốt liên tục. Ngại nhất là có xe chở rác nước chảy ròng ròng trên đường gây ra mùi hôi thối kéo dài. Chưa kể những người vô ý thức đem quăng rác bừa bãi hai bên đường...”.

1
Xe ép rác đổ rác tại bãi rác Gò Sạn mới.


Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) nằm cách không xa BR nên ngày nào cũng phải hứng chịu mùi hôi. Thầy Phùng Thanh Hoàng - Phó Hiệu trưởng nhà trường bức xúc: “BR đã có khoảng 3 năm nay và mùi hôi của nó ngày nào cũng thường trực, nhất là sáng và chiều mỗi khi có gió. Mùi hôi lùa vào phòng học khiến các em học sinh phải bịt mũi, nín thở; thầy cô cũng phải tạm dừng việc giảng dạy. Học sinh khó tập trung đã làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập”. Thầy Hoàng cho biết, gần đây, một số em trong trường khi ngửi mùi hôi đã có triệu chứng chóng mặt phải đưa lên phòng y tế nhà trường. Nhà trường cũng đã đề xuất rất nhiều lần với các các cơ quan chức năng, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.


Nỗi lòng của người dân sống xung quanh BR Gò Sạn (huyện Diên Khánh) cũng chẳng khác gì so với người dân sống cạnh BR Dốc Đỏ. Chị Trần Thị Thanh Huệ (xã Diên Sơn) - một người dân sống cạnh BR Gò Sạn cho biết: “Ngày nào tui cũng phải ngửi cái mùi khó chịu từ khói BR bay ra. Mùi của nó cứ xông vào tận óc làm đau đầu, viêm mũi...”.

Người dân trong khu vực phàn nàn về bãi rác Dốc Đỏ (Cam An Nam).
Người dân trong khu vực phàn nàn về bãi rác Dốc Đỏ (Cam An Nam).


Đưa chúng tôi ra xem giếng nhà bị ô nhiễm, ông Võ Cùng - người dân sống gần khu vực BR Gò Sạn bức xúc: “Trước đây, nước giếng rất trong được sử dụng để ăn uống, tắm giặt và tưới cây. Nhưng từ khi BR này đưa vào hoạt động, nước bỗng đổi màu và có mùi thum thủm. Bây giờ chỉ dùng để tưới cây, không dám tắm nói chi uống....”. Nhìn vào gàu nước ông Cùng vừa múc từ giếng lên chúng tôi thấy nước đã ngã vàng, nổi bọt, có mùi hôi. Ông Cùng cho biết, ngoài chuyện giếng bị ô nhiễm, mùi khói bốc ra từ BR được gió đưa tới rất khó chịu, cả ngày không lúc nào dứt.


Tiếp xúc với người dân sống xung quanh các BR, chúng tôi cảm nhận việc ô nhiễm từ các BR là có thật. Ai cũng bảo “cực chẳng đã” mới sống ở đây và mong rằng Nhà nước sớm di dời các BR ra khỏi khu vực dân cư, trả lại môi trường không khí trong lành.

Giếng nước của ông Võ Cùng đang bị ô nhiễm.
Giếng nước của ông Võ Cùng đang bị ô nhiễm.


Giải quyết ô nhiễm, còn rất khó khăn


Theo UBND huyện Cam Lâm, BR Dốc Đỏ chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật nên chưa xử lý triệt để lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện. Mỗi ngày, BR này tiếp nhận hơn 24 tấn rác từ xã Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài (xã Cam Hải Đông), khu vực lân cận thị trấn Cam Đức và Khu Công nghiệp Suối Dầu.


Ông Phan Ngọc Châu  - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết: “BR Dốc Đỏ là BR tạm thời. Huyện đã hợp đồng với Công ty TNHH Trường Sơn triển khai việc thu gom, xử lý rác tại BR Dốc Đỏ. Hàng ngày có vài lao động, cào rác ra phơi, đốt và chôn lấp bằng cơ giới, xử lý rác bằng hóa chất khử mùi, khử ruồi... Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ ở các xã xung quanh đem rác ra bỏ trên đường. Đây là trách nhiệm của UBND các xã cần nhắc nhở, xử lý. Hiện nay, rác hai bên đường được Công ty Trường Sơn thu dọn hàng tuần. Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành san ủi trước BR khoảng 1.000m2 để trồng bạch đàn tạo cảnh quan, đồng thời ngăn mùi hôi...”.

Giếng nước của ông Võ Cùng đang bị ô nhiễm.
Đốt vẫn là phương pháp xử lý chính của bãi rác Gò Sạn.


Ông Hoàng Văn Lĩnh - Trưởng Ban quản lý (BQL) công trình công cộng và môi trường đô thị Diên Khánh cho biết: BR có từ năm 2000 thuộc quản lý của thị trấn Diên Khánh. Sau khi được chuyển giao, hàng ngày, BQL thu gom rác thải từ 12 xã, thị trấn trong huyện đưa về BR này. BR cũ có diện tích 1ha nay đã đóng cửa do quá tải. Huyện mở BR mới nằm sát BR cũ về phía Bắc, diện tích 1,8ha. Tại BR mới, huyện đầu tư san ủi mặt bằng, thi công hệ thống mương thu gom nước rỉ rác đưa vào hố ga xử lý trước khi thải ra cánh đồng. Việc xử lý rác tại BR chủ yếu là đốt ủi, đầm nén, phun thuốc khử mùi... BR có ảnh hưởng nhất định đối với khu vực xung quanh nhưng mức độ ô nhiễm không lớn.


Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm tại các BR là chuyện không hề đơn giản. Theo ông Phan Ngọc Châu, trước đây, Công ty TNHH Việt Mỹ có thỏa thuận làm dự án đầu tư nhà máy xử lý rác tại thôn Khánh Thành (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) sử dụng công nghệ hiện đại, diện tích giai đoạn 1 lên tới 100ha, tỉnh đã thông báo chủ trương thu hồi đất, huyện tiến hành kiểm kê, thế nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi gì... Còn ông Võ Thành Nhân cho biết, tỉnh vừa thông báo dự án đầu tư của Doanh nghiệp tư nhân Nhân Thụy (Khánh Hòa) xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Trảng Găng (giáp ranh 2 xã Diên Sơn, Diên Lâm) với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, diện tích gần 12ha, thời hạn 40 năm... Người dân đang hy vọng các nhà máy xử lý rác nhanh chóng được triển khai.  


PHÚ LÂM