10:05, 24/05/2013

Lời thề trước đảo Gạc Ma

Nằm ngoài kế hoạch trong hành trình ra Trường Sa, đoàn công tác gồm nhiều nhà khoa học và nhà báo đã có những buổi tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 đầy xúc động…

Nằm ngoài kế hoạch trong hành trình ra Trường Sa, đoàn công tác gồm nhiều nhà khoa học và nhà báo đã có những buổi tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 đầy xúc động…


Từ lần tưởng niệm đầu tiên


Ngày 22-12-2010, trước khi ra Trường Sa cùng đoàn công tác của Lữ đoàn 146, tôi tìm về thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), quê của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, một trong những người lính đã hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Trong căn nhà tình nghĩa do Bộ Tư lệnh Hải quân và Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ hỗ trợ kinh phí xây dựng, cụ Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn tự tay viết một lá thư gửi hương hồn người con trai mãi mãi tuổi hai mươi, nhờ tôi hóa vàng ở Trường Sa.

 

1
Thắp hương trước bài vị 64 liệt sĩ ở chùa Sinh Tồn.


Sáng 12-1-2011, lễ tưởng niệm 64 sĩ quan, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin được tổ chức trên tàu Trường Sa 20, tại vùng biển ngay cạnh đảo Gạc Ma. Sau phần lễ chính của đoàn công tác, tôi xuống một chiếc xuồng, mang theo bó hương và lá thư của cụ Võ Ta. “Cha mẹ Võ Ta - Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Mong linh hồn con siêu thoát”. Hướng về phía đảo Gạc Ma, tôi đọc to rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta. Gió cuốn tro thư bay lên cao trước khi hòa vào sóng nước, những đám mây trắng trên trời như quần tụ lại, thành những dáng người đang nhìn xuống... Bài trên báo Tiền Phong và clip bản tin của VTV1 về lễ tưởng niệm, ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn được tôi đưa lên blog, với niềm tin: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”.


Chị Nguyễn Thị Dung, người yêu xưa của anh Tuấn đã thấy ảnh anh ở blog của tôi. Hai người chưa một lần nắm tay nhau, chưa từng có một nụ hôn, nhưng hình bóng anh Tuấn không phai mờ trong tâm trí chị Dung. Chưa có dịp thực hiện ước mong “ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, cuối năm 2011, chị Dung nhờ tôi và đồng nghiệp gửi vào lòng biển Gạc Ma những kỷ vật tình yêu của anh chị. Câu chuyện về tình cảm sâu nặng với anh Tuấn của chị Dung, về những kỷ vật của chị được phóng viên Hồng Nhạn, báo Ninh Thuận gửi vào lòng biển Gạc Ma ngày 4-1-2012 đã được kể trong các bài đăng trên báo Tiền Phong, báo Khánh Hòa và một số báo khác. Lúc đó, vì lý do riêng, tên của chị Dung đã được đổi thành Trang.


Nỗi niềm đau đáu

 

Phóng viên Báo Tiền Phong tại lễ tưởng niệm cạnh đảo Gạc Ma, ngày 12-1-2011.
Phóng viên Báo Tiền Phong tại lễ tưởng niệm cạnh đảo Gạc Ma, ngày 12-1-2011.


Đúng 8 giờ sáng 14-3-2013, khi đang viếng Tượng đài Cam Ranh, nơi có khắc tên 64 liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, tôi nhận cuộc điện thoại của Nguyễn Quang Lăng, người bạn cùng nhập ngũ với tôi ngày 23-7-1979. Lăng nói, anh cũng đang thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ, trong đó có 2 bạn học của Lăng tại Học viện Hải quân Varna, Bulgaria là Trung úy Phan Hữu Doan và Trung úy Lê Đức Hoàng. Trong chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền 88), anh Doan là Thuyền phó tàu HQ-605, anh Hoàng là Thuyền phó tàu HQ-604, đã tham gia nhiều hoạt động đóng giữ và bảo vệ các đảo chìm ở Trường Sa, anh Lăng làm công tác bảo đảm kỹ thuật ở bờ... “Khi nào có dịp ra Trường Sa, qua vùng biển Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, hãy thắp hộ mình nén hương tưởng nhớ anh Doan, anh Hoàng, tưởng nhớ anh em đồng đội của mình, Quân nhé” - Lăng dặn tôi. 5 ngày trước khi mất vì bệnh nặng, ngày 5-4-2013 Lăng viết trên doandaodapneo.com, diễn dàn của những người lính nhập ngũ ngày 23-7-1979: “Lăng ở Trường Sa 4 năm, muốn viết về ngày 14-3-1988 mà không viết nổi...”. Dường như, bạn tôi đã khóc khi viết dòng này.


Nỗi niềm đau đáu về những người đồng đội hy sinh ngày 14-3-1988, tôi còn cảm nhận được ở Trung sĩ Lê Hữu Thảo, quê ở Hà Tĩnh. Anh Thảo là tiểu đội trưởng trong một đại đội của Lữ đoàn 146, do Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Trần Văn Phương làm đại đội phó, đã cùng Trung úy Trần Văn Phương lên cắm cờ trên đảo Gạc Ma, rạng sáng 14-3-1988. Anh đã chứng kiến sự hy sinh của anh Trần Văn Phương, cùng những đồng đội còn sống sau trận mưa đạn của quân Trung Quốc đưa thi hài anh Phương và nhiều thương binh về đảo Cô Lin, nơi tàu HQ-505 vừa lao lên giữ chủ quyền. Khi biết tin tôi sắp ra Trường Sa, anh Thảo nhờ tôi thắp hương viếng các liệt sĩ và nhắn rằng: “Lê Hữu Thảo gửi lời chào đồng đội đến các anh, suốt 25 năm nay, cứ nhắc đến các anh là Thảo không cầm được nước mắt”.

 

Theo lịch trình được phổ biến trước lúc đoàn công tác lên đường ra Trường Sa lần này, chúng tôi sẽ không qua các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Sáng 30-4, khi thăm chùa trên đảo Sinh Tồn, tôi bất ngờ khi thấy trong chùa có bàn thờ riêng 64 liệt sĩ 14-3-1988. Chúng tôi thành kính thắp hương, cúi đầu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604; Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma và tất cả các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa. Trước bài vị 64 liệt sĩ, tôi chuyển đến các anh lời nhắn của anh Lê Hữu Thảo, của anh Nguyễn Quang Lăng, của chị Nguyễn Thị Dung. Khi tôi khấn xong, thấy lệ đã nhòa trên mắt chị Hoàng Lệ Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, trên mắt nữ phóng viên Hoàng Dung của Báo Khánh Hòa, và trên mắt nhiều người khác...


Mong các anh yên giấc ngàn thu

 

Sáng sớm 7-5-2013, chúng tôi bất ngờ được lên đảo Cô Lin trong một thời gian ngắn. Nhìn về đảo Gạc Ma cách đó 4 hải lý, thấy rõ mồn một căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo như một con tàu, cạnh đó là chiếc tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 553 của Trung Quốc. Hình dung lại đoạn clip cảnh những họng súng, họng pháo Trung Quốc xả đạn vào đảo Gạc Ma, cảnh những người con đất Việt ngã rạp trên đảo, mắt tôi như ứa máu. Tôi nhớ đến hình ảnh cụ Phan Thị Đay, mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn ngồi bất động rất lâu trước bia ghi tên liệt sĩ tại Tượng đài Cam Ranh, ánh mắt cụ như hướng đến một nơi xa, rất xa. Chị Nguyễn Thị Dung cũng đã đứng yên lặng thật lâu, trước Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến sự lặng lẽ, âm thầm của chị Đỗ Thị Hà, vợ của Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh trong buổi viếng Tượng đài Cam Ranh ngày 14-3-2013. Tôi nhớ đến lời người trông coi Tượng đài Cam Ranh là anh Nguyễn Văn Tuấn kể về ngày 17-2-2012, nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, một ngày trước ngày giỗ của 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988. Anh Phan Văn Dân, anh trai của liệt sĩ Phan Văn Sự từ Đà Nẵng vào viếng Tượng đài Cam Ranh, cùng một phụ nữ. Suốt buổi viếng, chị này cứ lặng lẽ bày hoa trái, lặng lẽ thắp hương rồi ngồi nhìn vào bia, lặng lẽ khóc. Anh Dân cho biết, đó là người yêu của liệt sĩ Phan Văn Sự, đến nay chị vẫn không lấy chồng...    

     
Thượng úy Nguyễn Đình Tuyền, Đảo trưởng đảo Cô Lin sốt sắng giúp chúng tôi sắp xếp bàn thờ trong Phòng Hồ Chí Minh trên đảo. 6 giờ kém 5 phút ngày 7-5, qua điện thoại, anh Lê Hữu Thảo nghẹn ngào cho biết, anh cũng đang thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. “Mong các anh hãy yên giấc ngàn thu, tôi và các đồng đội còn lại luôn ở bên cạnh các anh, tên tuổi các anh sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt. Hương hồn các anh trên trời linh thiêng xin phù hộ cho linh khí quốc gia, dân tộc, xin phù hộ cho các thế hệ tiếp theo sức mạnh để bảo vệ biên cương, hải đảo của Tổ quốc” - anh Thảo nói. Chia tay chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Đình Tuyền cho biết, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin luôn có ý thức sâu sắc về nhiệm vụ, sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống để xứng đáng với xương máu các liệt sĩ đã đổ xuống.

 
Sáng 7-5, tàu HQ-936 chở chúng tôi qua luồng giữa các đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao để tiếp tục hành trình. Ít phút sau khi tàu nhổ neo rời đảo Cô Lin, một chú cá heo xuất hiện bên mạn tàu, phía đảo Gạc Ma. Chú cá heo lúc tung tăng bơi cùng tốc độ với tàu, lúc vọt lên trước rồi bay lên trên mặt nước. Lính Trường Sa nói, sau những buổi thắp hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 thường có cá heo bơi theo tàu, báo hiệu một cuộc hành trình thuận lợi, bình an.



NGUYỄN ĐÌNH QUÂN