Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động có 8 nội dung. “5 không” là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động có 8 nội dung. “5 không” là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa: Qua 3 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và của cộng đồng với 8 nội dung cụ thể. Cuộc vận động được đánh giá rất thiết thực, sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các phong trào thi đua khác của các ngành, đoàn thể. Những kết quả của Cuộc vận động đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần cùng địa phương hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, nuôi dạy con tốt, thực hiện KHHGĐ, nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. |
Năm 2010, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa chọn xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh làm điểm thực hiện mô hình. Hội đã tiến hành khảo sát các hộ gia đình hội viên về tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, hoạt động chăm sóc trẻ em trong gia đình về thể lực, trí tuệ, quyền cơ bản của trẻ em, ý thức chăm sóc sức khoẻ nguồn nhân lực, thực hiện vệ sinh ăn, ở và giữ gìn môi trường thôn, xóm, đường làng ... Sau khảo sát, Hội LHPN tỉnh chọn 25 hội viên tham gia thành lập mô hình điểm, ký cam kết thực hiện đạt 8 nội dung của Cuộc vận động. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên, đến nay tại xã Vạn Thắng, đã có 3 mô hình “Trồng rau sạch”, “Sản xuất thực phẩm sạch - Nói không với gia vị có hại sức khỏe”, “Quản lý môi trường” tại 3 chi hội của xã. Các mô hình trên đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Từ đó đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện nhân rộng mô hình, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo với những tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như: “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Không sinh con thứ 3”, “Phòng chống HIV/AIDS”, “Dân số sức khỏe sinh sản”, “phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Phụ nữ thu gom rác thải”, “Phụ nữ tự quản”, “Đường xanh – sạch – đẹp”, “Mái nhà xanh”; “Chiến dịch làm sạch những con đường”, “Con đường xanh – sạch – đẹp và không có tai nạn giao thông”, “Bếp đẹp, bếp xinh”, “Vườn rau sạch, trồng rau xanh”; “Phụ nữ tự quản những tuyến đường xanh – sạch – đẹp”, “Tổ sản xuất rau sạch”; CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Điểm sáng xanh”, “Một cộng một”, “ 2 giúp 1”, “Phụ nữ với ngày thứ 7 xanh”, “Ban tự quản thu gom rác”, “Ngõ sạch”, “Địa chỉ tin cậy”... Thông qua các mô hình, mỗi năm toàn tỉnh đã vận động hàng trăm ngàn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ ra quân dọn vệ sinh môi trường ở khu dân cư, liên thôn, liên xã, đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, thu gom, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương…
Thực hiện nội dung “Không đói nghèo”, thông qua nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nguồn vốn qua kênh của Hội, đến nay, Hội đã tạo điều kiện cho hơn 57 ngàn hộ vay với số tiền hơn 764 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn, các cấp Hội phụ nữ còn quan tâm đến việc trang trị kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế cho hội viên; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, cách thức làm ăn cho phụ nữ. Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm ngày càng được các cấp hội chú trọng. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập đã giúp cho phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo từ 25 – 30%/ năm.
Về nội dung “Không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”, Hội phụ nữ các cấp tiếp tục phối hợp với Công an, Tư pháp, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội về việc quản lý, giáo dục con, em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội. Hội tổ chức tập huấn tuyên truyền phòng chống TNXH, tội phạm, ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, phổ biến giáo dục pháp luật mới cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhận thức của chị em phụ nữ về vấn đề pháp luật và ý thức sống, làm theo pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội được nâng lên đáng kể.
Để “Không có bạo lực gia đình”, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp lý tổ chức hàng trăm lớp tuyên truyền về các Luật như Bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, thông qua các CLB, các tổ, nhóm Hội còn trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình cho chị em, nhằm hạn chế tối đa tình trạng bạo lực trong gia đình. 3 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành, tham gia hòa giải 366 trường hợp bạo lực gia đình, mâu thuẫn trong hôn nhân.
Với nội dung “Không sinh con thứ 3 trở lên”, các cấp Hội đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động và lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng khó khăn; tổ chức chăm sóc sức khỏe phụ nữ - trẻ em như khám phụ khoa, tiêm VAT, tiêm chủng mở rộng, vận động thực hiện KHHGĐ, quyết tâm xây dựng gia đình theo quy mô nhỏ từ 1 đến 2 con. Cùng với việc tuyên truyền, các cấp Hội đã thành lập 212 câu lạc bộ (CLB) “Không sinh con thứ 3” và “Dân số - Sức khỏe sinh sản”. Thông qua CLB, các thành viên được trang bị kiến thức, cung cấp nhiều thông tin cần thiết như các vấn đề chăm sóc giáo dục con, tình yêu và hôn nhân, dân số - KHHGĐ, giáo dục sức khỏe vị thành viên, cân bằng giới tính và đặc biệt vận động hội viên, phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên…
Đối với việc “Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, các cấp Hội phối hợp với Trung tâm y tế, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Dân số - KHHGĐ, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản... mở hàng trăm lớp tập huấn, truyền thông về sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi 15 - 49, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, bà mẹ mang thai về chương trình “Làm mẹ an toàn”, “Thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi khỏe mạnh”, “Ngày hội tư vấn dinh dưỡng và khám sức khỏe” cho trẻ từ 0 – 6 tuổi.
Đối với nội dung “3 sạch”, thông qua các hoạt động của Hội như sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, giao lưu, sinh hoạt CLB, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thay đổi những thói quen chưa hợp vệ sinh trong sinh hoạt như di chuyển chuồng trại xa nơi ở, xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, dùng nước sạch, sử dụng nước đun sôi để uống; đồ dùng trong nhà sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn; trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh không lạm dụng các phụ gia và các loại thuốc bảo vệ thực phẩm có hại cho sức khỏe…
T.G