09:05, 03/05/2013

Giải pháp nào cho đường ngang dân sinh bất hợp pháp?

Thời gian qua, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra ở những tuyến đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Để kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt, cần có những giải pháp xử lý đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

Thời gian qua, hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đều xảy ra ở những tuyến đường ngang dân sinh bất hợp pháp (ĐNDSBHP). Để kiềm chế TNGT đường sắt, cần có những giải pháp xử lý ĐNDSBHP.


Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ đường ngang


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt, làm 2 người chết. Nhiều năm nay, các vụ TNGT xảy ra chủ yếu do người và phương tiện tham gia giao thông băng qua ĐNDSBHP. Đường ngang, nhất là ĐNDSBHP luôn là “điểm nóng” về mất an toàn giao thông (ATGT) nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Đường sắt Phú Khánh, hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra tại những vị trí do người dân tự mở đường ngang băng qua đường sắt, nhất là tại thôn Tân Đảo và Tân Thành (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa); thôn Cát Lợi và Lương Hòa (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang). Hiện nay, những địa điểm này không có vị trí đặt đường ngang hợp pháp, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Tại khu vực xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) trên chiều dài chưa đầy 500m đường sắt đi qua lại có tới 24 vị trí ĐNDSBHP nên nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao, bởi một bên là tuyến Quốc lộ 1A và một bên là nhà dân. Công ty đã nhiều lần kiến nghị xây dựng đường gom nhưng vẫn chưa thực hiện được vì không có kinh phí. Mặc dù, trong kế hoạch thực hiện Quyết định 1856 của Chính phủ, Công ty đã đưa đoạn qua xã Suối Cát vào danh mục đầu tư đầu tiên.


“Do mật độ đường ngang dày, tốc độ chạy tàu ngày càng cao, mật độ tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi vẫn chưa tiến hành rào đóng được các ĐNDSBHP nên nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao. Hiện nay, tốc độ chạy tàu từ 77,31/km/giờ, tải trọng 1 đoàn tàu hàng là 500 - 1.000 tấn, tàu khách từ 480 đến 500 tấn, cự ly để hãm một đoàn tàu tối thiểu khoảng 800m. Trong khi đó, có những đoạn đường phát hiện chướng ngại vật chỉ cách đoàn tàu khoảng 200m nên không có cách nào hãm được tàu. Vì vậy, người dân khi đi qua đường sắt cần chú ý quan sát kỹ, không nên cố qua khi đã nhìn thấy đoàn tàu” - ông Chiến nói.

    Việc tồn tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Việc tồn tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.


Giải bài toán đường ngang dân sinh


Căn cứ Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ ngày 24-8-2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT, trên địa bàn tỉnh chỉ cho tồn tại 25 vị trí ĐNDS. Tuy nhiên, đối với những đường được tồn tại, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm cải tạo toàn bộ bình diện mặt bằng, góc giao cắt tầm nhìn, kết cấu mặt đường, cắm biển báo, tạo sự đi lại êm thuận cho người dân. Đến thời điểm này, trong số 25 vị trí, toàn tỉnh mới chỉ làm được 3 vị trí tại huyện Diên Khánh và 2 vị trí tại TP. Nha Trang.

 

Theo thống kê của ngành Đường sắt, trên địa bàn tỉnh hiện có 150km đường sắt đi qua (từ xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh đến hết xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) nhưng có tới 271 đường ngang; trong đó có 186 vị trí ĐNDSBHP và 85 đường ngang hợp pháp. Tuy nhiên hiện nay, trong số các đường ngang hợp pháp có khoảng 45% đường ngang vi phạm tầm nhìn đối với phương tiện giao thông đường sắt và hơn 50% vi phạm tầm nhìn đối với phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoài ra, ngành Đường sắt đang tiến hành từng bước xây dựng hệ thống hàng rào, đường gom dọc theo hai bên đường sắt nhằm xóa bỏ ĐNDSBHP. Hiện nay, ngành đã bố trí thực hiện khoảng 1.500m tại khu vực thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh và 2.000m đường gom hàng rào tại xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang. Ngoài ra, năm 2013, ngành Đường sắt cũng tiến hành cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ tại 14 vị trí đường ngang trong phạm vi quản lý bằng nguồn vốn của Chính phủ và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho nâng cấp hình thức phòng vệ 2 vị trí từ biển báo lên thiết bị cảnh báo tự động tại tuyến Tỉnh lộ 3 và đường tại xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh.


Thực tế, thời gian qua, hầu hết nhân dân đều đã biết được lộ giới đường sắt nên tình trạng vi phạm ATGT không tăng thêm. Thực hiện Đề án 1856 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt giai đoạn II, ngành sẽ tiến hành thu hồi đất dành cho đường sắt. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đơn vị mới chỉ tiến hành đo vẽ hiện trạng, tạm thời vẫn để người dân sử dụng đất.


Theo ông Chiến, để đảm bảo ATGT đường sắt, về lâu dài, các địa phương cần có quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông, khu dân cư dọc hai bên đường sắt. Trên cơ sở đó xây dựng đường gom đấu nối vào hệ thống đường ngang hiện có, bảo đảm quỹ đất dành cho đường sắt, hạn chế thấp nhất việc người dân tùy tiện băng qua đường sắt. Trong công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần mở rộng khu vực và đối tượng tuyên truyền. Bởi lẽ, hầu hết các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn đều do người từ địa phương khác tới nên không nắm rõ địa hình, kiến thức nhất định về đường sắt. Ngành Đường sắt cũng mong muốn có sự phối hợp từ chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, công tác vận động quần chúng thực hiện đúng ATGT đường sắt. Đối với hệ thống đường bộ đấu nối vào đường ngang, cần phải cắm đủ biển báo; các đường quốc lộ giao cắt phải có biển cấm hạn chế tải trọng và tốc độ. Hiện nay, có quá nhiều phương tiện quá tải trọng chạy băng qua đường bộ giao cắt với đường sắt đã làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ và đường sắt. Tại các đường giao cắt tỉnh lộ có mật độ giao thông lớn cần cải tạo bình diện vị trí đường ngang, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của điều lệ đường ngang, có như vậy mới bảo đảm an toàn giao thông.


KHÁNH HÀ