Ngày 29-5, ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với đoàn công tác của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Cục Hạ tầng kinh tế (Bộ Xây dựng) về dự án “Hỗ trợ kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu”.
Ngày 29-5, ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với đoàn công tác của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Cục Hạ tầng kinh tế (Bộ Xây dựng) về dự án “Hỗ trợ kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu”.
Hai bên trao đổi những đề xuất cụ thể để triển khai dự án tại Nha Trang. |
Đoàn công tác đã thông tin về nội dung dự án, các chuyên gia phía Đức tham gia vào dự án ở Việt Nam và một số công tác chuẩn bị.
Ông Lê Đức Vinh cho biết TP. Nha Trang mới có quy hoạch xây dựng, chưa có quy hoạch riêng về hệ thống thoát nước; khó khăn chính là chưa có nguồn lực đầu tư. Ngập lụt ở đô thị là vấn đề nan giải của nhiều thành phố, Nha Trang là thành phố biển nên chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ ngập lụt lớn hơn. Vì thế, tỉnh mong muốn được dự án hỗ trợ quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cho thành phố, để từ đó, có kế hoạch hành động trong thời gian tới. Ông Lê Đức Vinh cũng đề nghị dự án hỗ trợ kỹ thuật xử lý nước thải đô thị cho thành phố; nâng cao năng lực cảnh báo sớm và mong muốn tài trợ cho một số dự án đầu tư của tỉnh. Địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện để Bộ Xây dựng và GIZ triển khai dự án tại Khánh Hòa. Sở Xây dựng là đầu mối cùng các cơ quan liên quan của tỉnh hỗ trợ triển khai dự án.
Đại diện đoàn công tác cho biết, dự án tập trung vào nội dung nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật nên sẽ ghi nhận và phản ánh những đề xuất của tỉnh để dự án triển khai hiệu quả.
Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu” nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Cộng hòa Liên Bang Đức. Dự án có tổng vốn đầu tư là 5,72 triệu Euro, trong đó, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức là 5,2 triệu Euro; thực hiện từ năm 2013 đến 2017.
K.N