08:05, 09/05/2013

Cần quản lý chặt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Song hiện nay, việc bảo quản, sử dụng trong thi công công trình, khai thác đá trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập.

Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Song hiện nay, việc bảo quản, sử dụng VLNCN trong thi công công trình, khai thác đá trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập.


Đa số chấp hành tốt


Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 kho bảo quản VLNCN, trong đó có 1 kho đầu mối của Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Nam Trung Bộ với trữ lượng 135 tấn, còn lại là kho của các đơn vị, doanh nghiệp trữ lượng từ 1 đến 10 tấn. Theo ông Nguyễn Xuân Mạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Sở Công Thương), qua các đợt thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng, hầu hết các đơn vị có kho bảo quản VLNCN đều thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. VLNCN được sắp xếp, bảo quản đúng quy định; có sổ theo dõi việc xuất, nhập và chưa phát hiện hiện tượng thất thoát. Các đơn vị cũng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, niêm yết biển báo, biển cấm, trang bị từ 2 đến 4 bình chữa cháy; lắp đặt hệ thống chống sét, hàng rào bảo vệ xung quanh kho và niêm phong kho theo quy định; bố trí lực lượng bảo vệ kho...


Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng VLNCN để khai thác đá và thi công công trình trên địa bàn tỉnh đều được cấp giấy phép nổ mìn. Trong quá trình tiến hành nổ mìn, các đơn vị lập hộ chiếu nổ mìn (tài liệu kỹ thuật quy định nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện một vụ nổ mìn) theo quy định, có tiến hành kiểm tra địa điểm nổ mìn trước khi xây dựng phương án và tiến hành giám sát nổ mìn thử nghiệm để kịp thời điều chỉnh phương án nổ mìn phù hợp. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ nào liên quan đến VLNCN.

Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Song hiện nay, việc bảo quản, sử dụng VLNCN trong thi công công trình, khai thác đá trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập.
Tiến hành nổ mìn cần tính toán kỹ để không gây hư hại nhà dân và ảnh hưởng xấu đến môi trường (Ảnh minh họa).


Vẫn còn bất cập

 

Chỉ những cơ quan, tổ chức 100% vốn nhà nước mới được phép sản xuất, sử dụng VLNCN và những công ty của Bộ Quốc phòng mới được cấp phép kinh doanh VLNCN. Đơn vị tiến hành nổ mìn phải có giấy phép do Sở Công thương cấp. Theo thống kê của Công an tỉnh, hàng năm, tỉnh tiêu thụ khoảng 700 tấn thuốc nổ, gần 2 triệu kíp nổ và hơn 2 triệu mét dây nổ.

Mặc dù vậy, hoạt động nổ mìn khai thác đá, thi công công trình của một số đơn vị vẫn còn bất cập. Tháng 4 vừa qua, Thanh tra Sở Công Thương đã kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa do sai phạm trong sử dụng VLNCN. Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án Biệt thự nhà vườn Hòn Một (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang), đơn vị này đã mở rộng trái phép khu vực nổ mìn, vi phạm khoảng cách an toàn khu vực dân cư lân cận (cách nhà dân chỉ khoảng 100m) và thay đổi thời điểm nổ mìn sai quy định, gây hư hại nhiều nhà dân. Ngoài việc nộp phạt số tiền 8 triệu đồng, đơn vị này còn phải bồi thường hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân khu vực bị ảnh hưởng do nổ mìn.


Đợt kiểm tra gần đây của Thanh tra Sở Công Thương cũng phát hiện một số vi phạm khác trong hoạt động nổ mìn. Ông Nguyễn Xuân Mạnh cho biết: “Ngoài hộ chiếu, pháp luật còn quy định phải kiểm tra, lập biên bản khoan nạp mìn trước khi khởi nổ và khi kết thúc nổ mìn. Lập biên bản khoan nạp mìn trước khi khởi nổ nhằm xác định rõ số lượng lỗ khoan và lượng thuốc nổ tương ứng. Khi kết thúc nổ mìn, cần kiểm tra, lập biên bản để xác định kết quả vụ nổ có đạt yêu cầu như hộ chiếu đề ra hay không, lượng thuốc nổ sử dụng thực tế và tổng lượng đá phá ra là bao nhiêu, có lỗ mìn câm hay không...; thế nhưng, đa số các đơn vị đều chưa thực hiện đầy đủ”. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh cũng phát hiện một số kho chứa VLNCN chưa thực hiện đúng quy định an toàn phòng chống cháy nổ như: hệ thống chống sét bị hư hỏng, không tiến hành đo điện trở đất đúng định kỳ. Ở một số đơn vị không có kho chứa cố định, vẫn còn cây cỏ mọc xung quanh, có nguy cơ cháy lan từ ngoài vào...


Tuy hoạt động VLNCN là lĩnh vực yêu cầu điều kiện kinh doanh chặt chẽ và kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng hiện nay, các ngành chức năng chủ yếu tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề định kỳ hàng năm (ngoại trừ một số trường hợp kiểm tra đột xuất) và chủ yếu giám sát nổ mìn thi công đối với các công trình mang tính trọng điểm. Để đảm bảo an toàn cho con người, tài sản và môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về điều kiện an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN.


V.A