02:05, 28/05/2013

Kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân

Ngày 28-5, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013).

Ngày 28-5, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013).

Ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ phật Giáo Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa cho Ban tổ chức.


Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Bình, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo các tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh về dự.


Tại buổi lễ, đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã ôn lại cuộc đời và hạnh nguyện của Bồ tát Thích Quảng Đức.


Bồ tát Thích Quảng Đức sinh năm 1897, ở thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Năm 1963, dưới chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm đã đẩy Phật giáo đến bước đường cùng. Chính vì lẽ đó, ngày 11-6-1963 (nhằm ngày 20-4 năm Quý Mão), tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, TP. Hồ Chí Minh), Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu, hy sinh trước sự chứng kiến của hàng ngàn tăng ni, phật tử. Nhục thân của Bồ tát được rước về quàn tại chùa Xá Lợi sau đó đưa vào hỏa thiêu suốt ngày trong lò thiêu, xương thịt cháy tiêu hết. Duy chỉ có trái tim của Bồ tát vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy. Đó chính là “trái tim bất diệt”.

Đông đảo các tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh về dự lễ.


Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Hữu Dược nhấn mạnh, sự hi sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ vì sự đối xử bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm về chính sách tôn giáo, mà nguyên nhân sâu xa chính là sự đày đọa và áp bức người dân Việt Nam của bàn tay ngoại bang. Vì thế, cuộc đấu tranh do Phật giáo khởi xướng không chỉ mang tính tôn giáo mà động lực sâu xa là cuộc chiến tranh vệ quốc, giải phóng ách thống trị. Ảnh hưởng của cuộc đấu tranh này đã tác động rất lớn đến những hoạt động và thành quả của lực lượng Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam sau này. Sự hy sinh của Bồ tát đã để lại cho dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung một thông điệp thiêng liêng về giá trị và ý nghĩa của cuộc sống, đó là sự tôn trọng bình đẳng, đoàn kết hòa hợp và tự do hạnh phúc...


Sau buổi lễ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển lãm ảnh ngọn lửa và trái tim; giao lưu nhân chứng và thời đại.


Tiếp đó, ngày 29 và 30-5 sẽ diễn ra các nội dung như: Hành hương về nơi Bồ tát Đản sinh; kỳ siêu chư Thánh tử đạo, anh hùng liệt sỹ; thuyết trình “Phật giáo và tinh thần bất bạo động”; sinh hoạt của tuổi trẻ phật giáo “uống nước nhớ nguồn”...


VĂN GIANG