Tàu “Viện sĩ Oparin” được mệnh danh “Viện nghiên cứu biển lưu động” sẽ rời Cảng Nha Trang vào ngày 2-5 để đưa 34 nhà khoa học của Nga và Việt Nam (trong đó, Việt Nam có 12 nhà khoa học của 5 viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Ngày 30-4, Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Trần Sơn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cùng một số cán bộ khoa học Việt Nam đến thăm các cán bộ khoa học Liên bang Nga, thủy thủ đoàn và tham quan tàu nghiên cứu biển mang tên “Viện sĩ Oparin” đang neo đậu tại Cảng Nha Trang.
Tàu “Viện sĩ Oparin” neo đậu tại Cảng Nha Trang. |
Tàu “Viện sĩ Oparin” được mệnh danh “Viện nghiên cứu biển lưu động” sẽ rời Cảng Nha Trang vào ngày 2-5 để đưa 34 nhà khoa học của Nga và Việt Nam (trong đó, Việt Nam có 12 nhà khoa học của 5 viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện chuyến khảo sát chung Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ 4 về đa dạng sinh học và hóa sinh ở vùng biển Việt Nam. Chuyến khảo sát nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Các nhà khoa học hai nước sẽ hợp tác thực hiện những hoạt động khảo sát, nghiên cứu khoa học ở nhiều điểm thuộc vùng biển của Việt Nam như Vịnh Bắc Bộ, vịnh Vân Phong, Cát Bà, Thổ Chu, Nam Du, Côn Đảo, Phú Quốc…, trong đó, có vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Dự kiến, ngày 4-6, tàu sẽ cập Cảng Hải Phòng, sau đó, các nhà khoa học sẽ tham gia một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Trần Sơn Hải (người đứng) chúc mừng các nhà khoa học Nga và thủy thủ đoàn trên tàu “Viện sĩ Oparin” |
Tiến sĩ Aminin Dmitrii (bìa phải), Khoa học trưởng chuyến khảo sát tặng tập ảnh về Vladivokstok (Nga) cho ông Trần Sơn Hải |
Tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” được đóng năm 1985 tại Phần Lan, cao ba tầng với thiết kế chuyên dụng cho các nghiên cứu về hóa sinh, sinh học, hóa học, vi sinh vật biển từ các đối tượng sinh học khác nhau để tìm kiếm nguôn các chất có hoạt tính sinh học mới. Tàu dài hơn 70m, ngang 15m, trọng lượng rẽ nước 2.600 tấn, tốc độ 15,2 hải lý/giờ. Gần 30 năm qua, tàu “Viện sĩ Oparin” đã thực hiện các chuyến khảo sát ở khắp các vùng biển trên thế giới. Đây là chuyến khảo sát thứ 45 của con tàu. |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh, mục đích chính của chuyến nghiên cứu là điều tra toàn diện về đa dạng sinh học và sinh hóa của biển Đông, bao gồm cả nghiên cứu các quần xã rạn san hô và thu thập, xác định các loại rong biển, vi sinh vật để tìm kiếm các nguồn sinh vật mới có hoạt tính chuyển hóa sinh học. Chuyến khảo sát cũng nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Nga; các viện chuyên ngành thuộc Phân viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga, vốn là các cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu thế giới về Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông nhằm phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo cán bộ nghiên cứu về biển cho Việt Nam. Việc khảo sát, nghiên cứu biển góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Có 4 nhóm nghiên cứu khoa học về: sinh hóa; sinh học; vi sinh vật và thủy sinh học. Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh cho biết thêm, so với ba chuyến trước, chuyến khảo sát chung này có phạm vi nghiên cứu rộng hơn, các vùng biển nghiên cứu xa hơn để có thể đánh giá tổng thể hơn tiềm năng về đa dạng sinh học của biển Việt Nam. Tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều chuyến khảo sát chung giữa hai bên.
Ba chuyến khảo sát và nghiên cứu chung trước đây giữa các nhà khoa học Việt Nam - Liên bang Nga trên tàu “Viện sĩ Oparin” được thực hiện vào các năm 2005, 2007 và 2010. Qua đó, đã thu thập 935 mẫu động vật không xương sống và tảo biển, phân lập 916 chủng vi sinh vật, dịch chiết các mẫu thu được thử nghiệm hoạt tính kháng u, chụp hơn 2.500 bức ảnh về động vật biển và rạn san hô… Kết quả các chuyến khảo sát đã bổ sung thêm các dữ liệu về đa dạng sinh học và đưa ra các biện pháp bảo tồn rạn san hô trong vùng biển Việt Nam. Các nghiên cứu hóa sinh đặc biệt là theo định hướng các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học để làm dược liệu đã bắt đầu được phía Việt Nam chủ động quan tâm và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sâu.
Tham quan phòng thí nghiệm trên tàu “Viện sĩ Oparin” |
Cán bộ khoa học Việt Nam và Nga trao đổi về hoạt động thí nghiệm. |
Một số thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trên tàu. |
Một nữ cán bộ khoa học Nga ở phòng nuôi chuột thí nghiệm. |
Một số hình ảnh về các hoạt động khảo sát, nghiên cứu trên tàu. |
Các nhà khoa học Nga và Việt Nam trên tàu “Viện sĩ Oparin”. |
K.N