Hiện nay, vấn đề cấp thiết trong hoạt động cung cấp nước sinh hoạt tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là làm sao để nâng cao hiệu quả quản lý.
Hiện nay, vấn đề cấp thiết trong hoạt động cung cấp nước sinh hoạt tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là làm sao để nâng cao hiệu quả quản lý.
Từ năm 1992 đến nay, bằng các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, tổ chức và nhân dân đóng góp, thị xã Ninh Hòa đã đầu tư hơn 85 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa các công trình cấp nước và thiết bị lọc, chứa nước phục vụ sinh hoạt cho người dân nông thôn. Cụ thể, giai đoạn 1992 - 1998, việc đầu tư phát triển các công trình chủ yếu tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Loại hình cấp nước được xây dựng trong giai đoạn này là các công trình nhỏ lẻ như: Giếng khoan máy, giếng khoan tay, giếng đào, bể chứa nước mưa... với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng cho hộ gia đình. Giai đoạn 1999 - 2008, thị xã được đầu tư xây dựng 18 hệ thống cấp nước tập trung, 75 hệ thống cấp nước nối mạng nhỏ, 1.841 lu chứa nước mưa, 740 thiết bị lọc Flowat, 328 giếng đào mới. Đến năm 2012, thị xã tiếp tục được đầu tư 4 công trình cấp nước tập trung, 3 công trình cấp nước nối mạng nhỏ, 8 giếng đào, nâng cấp mở rộng mạng cấp nước và sửa chữa nhiều công trình cấp nước.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt Bình - Quang - Hưng tại xã Ninh Bình. |
Phần lớn các công trình xây dựng xong, chủ đầu tư cùng với UBND thị xã tiến hành nghiệm thu và bàn giao công trình cho UBND các xã trực tiếp quản lý, khai thác. Các xã sau khi nhận bàn giao công trình đều thành lập ban quản lý hoặc tổ quản lý, một số xã hợp đồng với cá nhân quản lý, khai thác. Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, bước đầu, các công trình đều phát huy được hiệu quả. Song, qua thời gian quản lý, khai thác đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đến nay, địa phương vẫn chưa xây dựng được quy chế quản lý, khai thác các công trình cấp nước để tổ chức quản lý thống nhất. Vì vậy, mỗi địa phương, mỗi hệ thống nước tổ chức một mô hình quản lý, khai thác khác nhau. Trong khi đó, phần lớn các ban quản lý cấp xã không có chuyên môn, quản lý kém, không đủ kinh phí để kịp thời sửa chữa nên công trình mau xuống cấp, khả năng cung cấp nước không đảm bảo.
Thời gian qua, UBND thị xã đã giao cho Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa quản lý, khai thác 4 công trình gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Ninh Lộc, Ninh Sim, Ninh Phú, Ninh Diêm - Ninh Thủy. Hiện nay, các công trình này đã được Công ty đầu tư nâng cấp. Tuy vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân nhưng phần nào đã phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, năm 2001, Công ty còn nhận quản lý, khai thác thêm Nhà máy nước Ninh Hòa. Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, ông Dương Văn Lúc - Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa cho biết, sau khi nhận bàn giao Nhà máy nước Ninh Hòa, năm 2009, bằng nguồn vốn của Quỹ đầu tư và vốn tự có, Công ty đã đầu tư xây dựng lại hệ thống xử lý mới, nâng công suất nhà máy từ 2.500m3/ngày đêm lên 4.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 8,4 tỷ đồng. Toàn bộ công nghệ lạc hậu đã được thay thế bằng công nghệ lắng Lamen, rửa lọc trọng lực tự động. Năm 2011, Công ty tiếp tục nâng công suất lên 6.000m3/ngày đêm. Đến nay, Nhà máy nước Ninh Hòa đã cung cấp nước sinh hoạt cho 7.150 hộ dân.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có thêm 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với quy mô tương đối lớn, do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh đầu tư, quản lý, khai thác gồm: Hệ thống cấp nước tập trung xã Ninh Trung; xã Ninh Bình - Ninh Quang - Ninh Hưng; xã Ninh Trung - Ninh Thân - Ninh Đông. Tổng công suất thiết kế là 4.693m3/ngày đêm, số dân được cấp nước xấp xỉ 62.000 người, tương đương 13.000 hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 3 công trình trên mới chỉ cung cấp nước cho 1.800 hộ dân, đạt xấp xỉ 14% so với thiết kế. Ông Trần Văn Dũng cho biết: “Hiện nay, các công trình do Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa và Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh quản lý, khai thác có chất lượng nước đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy giá thu tiền nước cao hơn cấp xã quản lý nhưng các đơn vị có đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn, có đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên chất lượng nước đảm bảo, nhu cầu sử dụng của người dân cơ bản được đáp ứng”.
Cũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, hầu hết ý kiến đều cho rằng, các công trình cấp nước theo hình thức giếng đào, giếng khoan nối mạng nhỏ không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Phan Thông - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh nhận xét, việc chuyển đổi hình thức giếng đào, giếng khoan nối mạng nhỏ sang đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung là giải pháp hợp lý. Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có 2 mô hình quản lý, vận hành, khai thác của Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh và của Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa được đánh giá là phù hợp, nước đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, để chương trình nước sạch cho nông thôn trên địa bàn thị xã đạt hiệu quả cao, thời gian tới, địa phương cần kiểm tra, đánh giá cụ thể từng công trình để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời cần xem xét, thống nhất mô hình quản lý nước phù hợp.
KHÁNH HÀ