10:04, 23/04/2013

Người thương binh vượt khó làm giàu

Đến Cam Thành Bắc (Cam Lâm, Khánh Hòa), tôi được ông  Chủ tịch UBND xã cho biết, trong xã chưa có gia đình nào làm kinh tế giỏi, sống gương mẫu, con cái học hành thành đạt như nhà ông Vũ Đình Duyên.

Đến Cam Thành Bắc (Cam Lâm, Khánh Hòa), tôi được ông  Chủ tịch UBND xã cho biết, trong xã chưa có gia đình nào làm kinh tế giỏi, sống gương mẫu, con cái học hành thành đạt như nhà ông Vũ Đình Duyên.  


Tìm nhà ông Duyên (70 tuổi, thương binh 4/4, thôn Tân Sinh Tây) không khó, bởi ở đây ai cũng biết “tiếng” ông. Căn nhà xây khá tinh tươm với đủ tiện nghi: ti vi, máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh... Đặc biệt, phòng khách trưng bày nhiều bằng khen, giấy khen của ông. Trước sân, đủ loại cây kiểng khoe dáng. Sau vườn, xen lẫn màu xanh mơn mởn của hơn 70 cây xoài, ổi, mận, chanh... là ao nuôi cá, chuồng chim bồ câu, đàn gà. Nếu không nghe ông Duyên tâm sự mà chỉ nhìn vào cơ ngơi của ông, chúng tôi không thể biết ông đã vượt qua bao khó khăn, nỗ lực đi lên từ hai bàn tay trắng.


Ông Vũ Đình Duyên và bà Nguyễn Thị Thanh Tịnh (vợ ông) rất tự hào bởi đã có một thời tuổi trẻ cống hiến cho cuộc đấu tranh trường kỳ bảo vệ Tổ quốc. Khi về với đời thường, là thương binh hạng 4/4, nhưng ông không ngại khó ngại khổ, quyết tâm vươn lên, chiến thắng đói nghèo. Năm 1976, ông Duyên cùng vợ đến Cam Thành Bắc sinh sống và lập nghiệp. Không có vốn nhưng được Hợp tác xã Nông nghiệp Cam Thành Bắc cấp 5.000m2 đất, vợ chồng ông dựng túp lều nhỏ bằng tôn để ở. Mỗi khi đến mùa mưa bão, người dân trong xóm không khỏi chạnh lòng khi thấy vợ chồng ông ngồi co ro trên chiếc giường ọp ẹp. Ông Duyên trải lòng: “Ngày ấy, không một hạt gạo để nấu, 2 vợ chồng thường xuyên ăn khoai lang, khoai mì thay cơm. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng đã là người lính thì phải biết vượt qua tất cả để vươn lên”. Gánh nặng áo cơm như càng đè nặng hơn khi 4 người con lần lượt ra đời. Điều đáng khâm phục là dù đói nghèo, bệnh tật, vợ chồng ông vẫn quyết tâm cho con ăn học. Ròng rã hàng chục năm trời (từ năm 1976 - 1998), ngoài các công việc: Trưởng phòng Tổ chức lao động tiền lương Lâm nghiệp Cam Ranh, Bí thư Đảng ủy các xã, ông Duyên cùng vợ cần mẫn cày cuốc, trồng trọt, chăn nuôi. Ban đầu là 5 con bò, 4 con heo nái, vài chục con gà; rồi những cây lương thực ngắn ngày như khoai lang, khoai mì, đu đủ, sau đó là xoài mọc lên xanh tốt. Cứ thế, mô hình trang trại dần được hình thành. Sau bao năm đầu tắt mặt tối, vợ chồng ông cũng đã có vốn lận lưng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông quyết tâm mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi. Đàn heo, gà, chim... tăng dần.

Dưới bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng của ông Duyên, vườn xoài của nhà ông cho trái to.
Dưới bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng của ông Duyên, vườn xoài của nhà ông cho trái to.


Không dừng lại ở đó, năm 1999, khi các con đã lớn, ông mày mò, học hỏi để nuôi thêm tôm chân trắng ở Cam Hải Tây. Với nguồn vốn 1,4 tỷ đồng, ông thuê đìa, mua giống thả nuôi. Ban đầu rất khó khăn, nhưng nhờ chịu thương, chịu khó, con tôm đã mang lại thu nhập ổn định (từ 300 đến 400 triệu đồng/năm) cho gia đình ông. Sau 3 năm nuôi tôm, tích góp được số vốn kha khá, ông cùng 2 con trai vào Bến Tre và Ninh Thuận thành lập công ty nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động. Đến nay, gia đình ông sở hữu nguồn vốn vài chục tỷ đồng. Ông Duyên tâm sự: “Với tôi, làm kinh tế không đơn thuần chỉ để kiếm tiền, quan trọng hơn là người lính không bao giờ chấp nhận đói nghèo”. Đặc biệt, các con của ông đều thành đạt, ngoài 2 người con là kỹ sư thủy sản (hiện quản lý 2 công ty nuôi trồng thủy sản của gia đình), một người hiện là giảng viên Trường Đại học Công nghệ Sài gòn, và 1 người là Phó Giám đốc một công ty kinh doanh ngành điện tử ở TP. Hồ Chí Minh.


Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Duyên còn được người dân mến phục bởi tính gương mẫu, thương người. Ông Lê Đức Lực (thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc) bộc bạch: “Trong thời gian ông Duyên làm Bí thư Đảng ủy xã, người dân rất quý mến. Việc nhỏ, việc lớn trong xã, ông Duyên đều xắn tay vào. Trước đây, ông còn là một lương y đức độ; ngày ngày đi bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân. Bây giờ, Tết đến, nhiều nhà vẫn nhờ ông xông đất đầu năm”.


NGUYỄN KIM