Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan phải hoàn tất công tác bóc tách đất lâm nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30-4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây vẫn là bài toán nan giải.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan phải hoàn tất công tác bóc tách đất lâm nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30-4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây vẫn là bài toán nan giải.
Người nghèo thiếu đất sản xuất
Vì thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ dân xâm canh đất lâm nghiệp. |
Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn vẫn còn 160 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất sản xuất. Trong đó, xã Ba Cụm Nam chiếm số lượng lớn nhất với 70 hộ. Anh Cao Lịch - xóm 15 thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc) cho biết, gia đình anh có 7 nhân khẩu nhưng chỉ có 6 sào đất rẫy đang trồng mì (số diện tích đất này do gia đình phía vợ cho), còn đất của gia đình anh đã bán từ lâu. “Mỗi vụ mì, nếu được mùa, trúng giá, gia đình tôi cố gắng ăn tiêu tằn tiện cũng dư được khoảng 2 triệu đồng. Nhưng thời gian này, mì kém quá nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Đất sản xuất ít nên ai gọi đi làm thuê việc gì là tôi đi làm việc ấy để kiếm tiền mua gạo” - anh Lịch nói. Theo ông Mấu Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, hầu hết các gia đình thiếu đất sản xuất đều thuộc diện hộ nghèo người DTTS. Bức xúc nhất về đất sản xuất hiện nay là các hộ ở thôn Dốc Trầu. Trước đây, do không có đất canh tác nên hơn 50 hộ ở Dốc Trầu đã sang xâm canh tại khu vực rừng phòng hộ của xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm). Sau khi huyện Cam Lâm tiến hành thu hồi đất, những hộ này không còn đất để sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Tương tự xã Ba Cụm Bắc, xã Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh) cũng có nhiều hộ nghèo người DTTS thiếu đất sản xuất. Theo ông Hà V Lơi - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, do thiếu đất sản xuất nên có rất nhiều hộ dân trong xã phải đi xâm canh đất ở xã Khánh Nam để trồng trọt. Hiện tại, nhu cầu về đất sản xuất của người dân tương đối lớn, nhưng quỹ đất của xã không còn. Gia đình anh Thái Dũng (gồm 6 người, thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà) là một ví dụ. “Do đất xâm canh nên chỉ còn ở trên núi cao, đường đi lại xa, việc làm ăn gặp nhiều khó khăn”, anh Dũng cho biết.
Khó khăn chồng chất
Nếu không giải quyết triệt để bài toán thiếu đất sản xuất, số phận của những cánh rừng ngày càng mong manh. |
Trước thực trạng thiếu đất sản xuất của người dân, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan đã tìm cách tháo gỡ. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc bóc tách đất rừng giao cho các hộ đồng bào DTTS nghèo. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện lại phát sinh rất nhiều khó khăn.
Ngày 14-3, trong buổi làm việc với đoàn công tác thuộc Ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ bóc tách đất của các lâm trường giao cho đồng bào DTTS sản xuất. |
Ở huyện Khánh Sơn, diện tích đất dự kiến có thể bóc tách được khoảng 181ha. Nhưng thực tế, những vị trí đất được xác định bóc tách đều bị người dân lấn chiếm và canh tác lâu ngày. “Để giải quyết đất sản xuất cho một số hộ dân thiếu đất, huyện đã nhiều lần chỉ đạo các xã rà soát lại số diện tích đất bị xâm lấn trái phép để thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp; có trường hợp người dân đã được chính quyền giao đất (đất có nguồn gốc thu hồi) nhưng họ không dám nhận. Để xảy ra tình trạng xâm canh này, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ”, ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết. Không chỉ khó khăn trong việc thu hồi đất, hiện nay, ở huyện Khánh Sơn có một số địa phương không còn diện tích đất để bóc tách như xã Sơn Trung. Ngoài ra, huyện còn phải đối mặt với áp lực từ việc tách hộ của người dân.
Còn ở huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, tổng diện tích đất có thể bóc tách được hơn 1.300ha, trong khi nhu cầu của người dân lên đến hơn 3.700ha. Tuy nhiên, số diện tích có thể bóc tách được cũng đang nằm trong phạm vi quản lý của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương. Ông Huỳnh Xuân Lộc - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trước Tết Nguyên đán 2013, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Khánh Hòa đã bóc tách 1.000ha. Nhưng thực tế, số diện tích Công ty giao cho địa phương là đất bị xâm canh và hiện vẫn còn canh tác nên hiệu quả bóc tách không cao”. Ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh), nếu xét về tiêu chí diện tích đất sản xuất/hộ gia đình thì không thiếu, nhưng thực tế ở đây có nhiều hộ vẫn thiếu đất sản xuất, bởi diện tích đất canh tác của họ quá xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn nên rất ít hộ vào sản xuất.
Cần giải pháp toàn diện, bền vững
Vấn đề bóc tách đất rừng gặp nhiều khó khăn bởi những diện tích đất xâm lấn đã có người sản xuất. |
Ngày 26-3, UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt số liệu diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vào năm 2012. Theo đó, diện tích đất có rừng là 211.470,5ha (chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh). Trong đó, đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) là 198.838,2ha; diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng 84.440,8ha. |
Cấp đất cho hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất là việc cần làm. Nhưng hiện nay, để tìm được giải pháp căn bản xem ra vẫn còn cần thêm thời gian. Không thể chờ đợi chính sách chung, một số địa phương đã đưa ra những giải pháp mang tính tình thế. Chẳng hạn, xã Ba Cụm Bắc, đến năm 2015 sẽ thực hiện dự án khu tái định cư mới ở khu vực suối La Huây, qua đó sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 30 hộ ở thôn Dốc Trầu và cấp 3 sào đất canh tác/hộ. “Khi dự án này được triển khai, chúng tôi hy vọng sẽ giảm được phần nào nhu cầu đất sản xuất của người dân”, ông Mấu Xuân Hạnh tỏ ý lạc quan. Còn ở huyện Khánh Vĩnh cũng đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị các công ty lâm nghiệp đang quản lý đất rừng sản xuất trên địa bàn tiến hành bóc tách đất cho người dân sử dụng. Nếu điều này được thực hiện thì không chỉ giải quyết tình trạng đất cho người dân mà còn tránh được những xung đột giữa người dân với công ty.
Nhu cầu đất sản xuất của người dân là có thực. Nhưng, lời giải cho bài toán không nằm ở chỗ loay hoay tìm quỹ đất để giao cho dân, bởi diện tích đất rừng không thể đáp ứng mãi được nhu cầu đó. Nên chăng, cần tìm ra giải pháp mang tính toàn diện, bền vững hơn cho những hộ người DTTS nghèo. Dạy nghề, giải quyết việc làm, công nhân hóa nông dân... có thể xem là hướng đi mở đối với lao động người DTTS. Thay đổi phương thức canh tác, tăng cường khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng trên cùng một diện tích; nâng cao tư duy, trình độ nhận thức cho người DTTS, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỉ lại… cũng là những giải pháp có tính bền vững cần được tính đến.
N.T - B.L