10:04, 23/04/2013

Lao động thất nghiệp: Khó tìm việc làm mới

Hiện nay, không chỉ sinh viên mới tốt nghiệp ra trường khó tìm việc làm mà ngay cả những lao động không may bị mất việc cũng khó tìm được chỗ làm mới.

Hiện nay, không chỉ sinh viên mới tốt nghiệp ra trường khó tìm việc làm mà ngay cả những lao động không may bị mất việc cũng khó tìm được chỗ làm mới.


Thất nghiệp tăng


Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh Khánh Hòa thường xuyên tiếp nhận người lao động đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cầm trên tay quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chị Đinh Thị Mỹ Dung ở phường Phước Hải, TP. Nha Trang cho biết: “Tôi xin được việc làm ở Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Thông Thịnh, cứ ngỡ công việc sẽ ổn định. Đâu ngờ làm được 2 năm, Công ty cho tôi nghỉ việc. Không biết khi nào tôi mới xin được việc làm mới...”.


Ông Đặng Quang Giang - Phó Giám đốc Trung tâm GTVL tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số người tới đăng ký thất nghiệp tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng là do tình hình kinh tế còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể tăng. Thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm buộc DN phải tái cấu trúc lại đơn vị, thu hẹp sản xuất, giảm nhân lực. Tính đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 1.400 người đăng ký thất nghiệp. Chúng tôi đã hướng dẫn hơn 1.600 người hoàn thành hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định cho hơn 1.950 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp,với số tiền chi trả hơn 13 tỷ đồng”. Bên cạnh DN gặp khó khăn buộc phải cắt giảm lao động thì thị trường lao động vẫn đang tồn tại tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, trình độ nghề. Nghịch lý thiếu - thừa cũng đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp.


Khó tìm việc làm mới

DSCF-8286: Người lao động đăng ký thất nghiệp và đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Giớ thiệu việc làm tỉnh.
 Người lao động đăng ký thất nghiệp và đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Giớ thiệu việc làm tỉnh.


Hầu hết những lao động bị mất việc làm đều khó tìm việc mới. Chị Lê Thị Kim Loan (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) cho biết: “Tôi có 10 năm làm nhân viên bán hàng tại Công viên Phù Đổng (thuộc Công ty Du lịch Khánh Hòa). Do Công ty cắt giảm lao động nên tôi bị mất việc làm. Đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng, tôi nhận được khoảng 1,5 triệu đồng, số tiền này không đủ để chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Điều lo nhất là tôi đã đi xin việc nhiều nơi và đăng ký tìm việc tại Trung tâm GTVL tỉnh hơn 5 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chỗ làm mới”.


Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) có 6 năm làm nhân viên Công ty TNHH Đào tạo, tổ chức - biểu diễn Việt Nhật, thu nhập mỗi tháng gần 8 triệu đồng. Thế nhưng, năm 2012, Công ty rơi vào khó khăn nên phải tiết giảm lao động, chị Tuyết nằm trong số đó. Chị Tuyết chia sẻ: “Hơn 6 tháng nay tôi đi tìm việc làm mới nhưng vẫn không có đơn vị nào nhận. Tới đơn vị nào họ cũng bảo đang trong thời điểm khó khăn, phải cắt giảm nhân sự. Tôi đã đăng ký tìm việc thông qua Trung tâm GTVL tỉnh nhưng chưa có hồi âm”.


Ông Đặng Quang Giang cho biết: “Hiện nay, các DN vẫn còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất thấp. Trong số hơn 1.400 người đăng ký thất nghiệp, chúng tôi đã tư vấn, GTVL cho hơn 800 người, nhưng số lao động được DN nhận vào làm chỉ khoảng 100 người”. Cũng theo ông Giang, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để không bị thất nghiệp khi DN cắt giảm nhân sự, người lao động nên chủ động tham gia học nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Bên cạnh đó, người bị mất việc làm không nên chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, vì khoản tiền này không đáng kể. Người lao động nên theo dõi các trang mạng việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp; tiếp cận với các đơn vị cần tuyển dụng, tìm cơ hội việc làm cho mình.


HƯƠNG GIANG