Theo ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), ngay từ đầu năm, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị để chủ động công tác phòng, chống cháy rừng.
Theo ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), ngay từ đầu năm, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị để chủ động công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR).
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Khánh Sơn không xảy ra các vụ cháy rừng lớn. Mặc dù vậy, công tác PCCR vẫn luôn được địa phương quan tâm. Ngay từ đầu mùa khô, UBND huyện đã ban hành phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn; trong đó chú trọng việc tuần tra, canh gác, phân công lực lượng canh lửa 24/24 để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống có thể gây ra cháy rừng. Ông Bùi Đức Luyến - Hạt phó phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Sơn cho biết: “Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn đã tiến hành kiểm tra công tác PCCR đối với tất cả các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng Nhà nước trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã thực hiện tốt quy định về PCCR”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có hơn 3.400ha rừng, chủ yếu là rừng trồng thuộc diện nguy cơ cháy cao, phân bố ở tất cả các địa phương trong huyện. Riêng tại xã Sơn Hiệp có hơn 510ha rừng thuộc diện nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng thông và keo. Dưới các tán rừng này, thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, khi xảy ra cháy sẽ lan tỏa rộng, gây khó khăn cho công tác chữa cháy rừng. Trong khi đó, nhiều người chưa tuân thủ quy định về sử dụng lửa ở ven rừng, trong rừng, đặc biệt là trong mùa phát nương, đốt nương nên dễ gây ra cháy rừng. Ông Trần Tấn Chóng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Trong mùa khô, chúng tôi đã xây dựng lịch đốt rẫy cho người dân; đồng thời hướng dẫn họ đốt rẫy vào buổi chiều muộn, trước khi đốt rẫy phải làm đường ranh cản lửa, báo cho chính quyền biết để đội PCCR xã trực tiếp tham gia với người dân, nếu có sự cố xảy ra thì có thể dập lửa kịp thời, không để cháy lan vào rừng”.
Rừng thông - một trong những đối tượng rừng trồng dễ xảy ra cháy tại huyện Khánh Sơn. |
Theo Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn, nguyên nhân chính có thể gây cháy rừng là do người dân sử dụng lửa bất cẩn, khi đốt nương rẫy không chấp hành đúng quy định, một số khu vực rừng trồng không được phát dọn, làm đường ranh cản lửa. Trong khi đó, hầu hết rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn huyện lại tập trung tại những khu vực đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều diện tích có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách rất dễ bắt lửa. Vì vậy, nếu xảy ra cháy rừng thì việc chữa cháy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để chủ động PCCR, bên cạnh kiện toàn Ban chỉ huy PCCR, thành lập các tổ, đội phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng; phát hàng chục kilômét đường ranh cản lửa, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân. Đến nay, huyện đã hoàn toàn chủ động phương án PCCR theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát tờ rơi đến tận từng hộ dân để tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng; hàng trăm hộ dân tại các địa phương đã ký cam kết đốt nương rẫy đúng quy định...
Từ đầu mùa khô đến nay, tuy trên địa bàn huyện Khánh Sơn chưa xảy ra các vụ cháy rừng nhưng thực tế, tại các xã, thị trấn vẫn còn tình trạng một số người dân đốt nương rẫy không đúng quy định, bất cẩn khi sử dụng lửa trong rừng. Thời kỳ cao điểm của mùa khô tại Khánh Sơn còn kéo dài, vì vậy, công tác PCCR cần được các ngành chức năng, các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng tiếp tục chú trọng. Theo ông Đinh Ngọc Bình, trong cao điểm mùa khô, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện cập nhật liên tục dự báo cháy rừng, trên cơ sở đó phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện để chủ động phòng cháy. Khi dự báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) trở lên phải tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm tra việc sử dụng lửa trong rừng, việc đốt nương rẫy của người dân. Các địa phương, đơn vị phải sẵn sàng lực lượng, dụng cụ, phương tiện chữa cháy... để hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu cháy rừng xảy ra.
B.L - N.T