10:04, 23/04/2013

Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm theo nhóm nhỏ

Từ hiệu quả hoạt động của vài nhóm phụ nữ  tiết kiệm xoay vòng không lấy lãi, Hội Phụ nữ phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) đã nhân rộng mô hình này đến từng chi, tổ Phụ nữ, qua đó giúp nhiều hội viên, phụ nữ nghèo có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Từ hiệu quả hoạt động của vài nhóm phụ nữ (PN) tiết kiệm xoay vòng không lấy lãi, Hội PN phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) đã nhân rộng mô hình này đến từng chi, tổ PN, qua đó giúp nhiều hội viên, PN nghèo có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Ý nghĩa thiết thực


Cách đây hơn 10 năm, Hội PN phường Vĩnh Hòa có sáng kiến phát động mô hình PN tiết kiệm xoay vòng không lấy lãi theo từng nhóm nhỏ (còn gọi là tiết kiệm theo dây). Mỗi nhóm có từ 10 đến 18 PN tham gia, tùy theo quy định của nhóm mà số tiền tiết kiệm từng người đóng nhiều hay ít. Số tiền tiết kiệm mỗi tháng sẽ cho những chị có hoàn cảnh khó khăn nhất trong nhóm vay trước. Người vay phải cam kết sử dụng vốn vào mục đích có ý nghĩa. Cứ như thế, xoay vòng cho đến khi tất cả các thành viên trong nhóm đều được vay.


Do số lượng ít nên việc triển khai vốn xoay vòng trong các nhóm rất tập trung và hiệu quả; nhiều chị em nghèo đã có cơ hội vay vốn để phát triển sản xuất. Đặc biệt, các chị trong nhóm hiểu rõ hoàn cảnh của nhau nên có tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau. “Có tháng, vì nhường nhau mà không chị nào trong nhóm chịu nhận nguồn vốn trước” - bà Trương Thị Nguyện, Tổ phó Tổ PN 3, thuộc Chi hội 2 Tây Nam cho biết.

  Nhờ tham gia nhóm tiết kiệm xoay vòng, bà Gương mở được một quán cà phê nhỏ làm kế sinh nhai.
Nhờ tham gia nhóm tiết kiệm xoay vòng, bà Gương mở được một quán cà phê nhỏ làm kế sinh nhai.


Với  ý nghĩa thiết thực như vậy, hội viên, PN tham gia thành lập nhóm tiết kiệm xoay vòng ngày càng nhiều. Từ 12 nhóm được thành lập ban đầu, đến nay, hội đã phát triển được 39 nhóm với 448 hội viên tham gia vay vốn, tổng số tiền tiết kiệm 1 tháng quay vòng trong các nhóm hơn 110 triệu đồng, 1 năm hơn 1,3 tỷ đồng. Nhờ triển khai xoay vòng vốn có hiệu quả, nên có nhóm không còn PN có hoàn cảnh khó khăn, PN nghèo; nguồn vốn tiết kiệm khi ấy được sẽ dùng vào những việc có ý nghĩa khác như: Nuôi con ăn học, sửa chữa nhà cửa hoặc đầu tư mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình... Để làm được điều này, một số nhóm đã nâng dần số tiền tiết kiệm, tạo ra suất vay với số tiền lớn hơn. Hiện nay, nhóm có số tiền tiết kiệm ít nhất là 50 nghìn đồng/chị/tháng; nhiều thì lên đến 300 - 500 nghìn đồng/chị/tháng.


Hiệu quả với phụ nữ nghèo


Bà Đinh Thị Thanh - Chủ tịch Hội PN phường cho biết: Hình thức tiết kiệm xoay vòng theo nhóm đặc biệt có hiệu quả đối với PN nghèo. Nếu vay ngân hàng hoặc các nguồn vốn tín chấp khác, đến kỳ đáo hạn vốn, nhiều chị không để dành được số tiền lớn để trả nợ. Còn hình thức tiết kiệm xoay vòng theo nhóm, số tiền tiết kiệm góp đóng hàng tháng nhỏ hơn, chị em có thể xoay xở được từ việc buôn bán nhỏ... nên số chị em có hoàn cảnh khó khăn tham gia rất đông. Bà Lương Thị Gương (hội viên PN nghèo ở Tổ 2 Hòa Tây) kể, gia đình bà có hoàn cảnh rất khó khăn. Bà không có nghề nghiệp ổn định, lại phải nuôi chồng bệnh tật và một con trai học nghề. Biết hoàn cảnh của bà, Hội PN phường đã tạo điều kiện cho bà vay vốn tín chấp 3 triệu đồng nhưng bà không dám vay vì lo không có đủ tiền để trả, dễ sa vào cảnh nợ nần kéo dài. Trong khi đó, quán cà phê cóc của bà chỉ cần đầu tư khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Chính vì vậy, khi biết có hình thức nhóm tiết kiệm xoay vòng không lấy lãi, bà đã tham gia. “Với số tiền vay 1,5 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, tôi tiết kiệm 50 nghìn đồng từ tiền lời bán cà phê để trả nợ” - bà Gương chia sẻ. Hình thức trả nợ kéo dài này đã giúp bà buôn bán ổn định, có tiền nuôi chồng bị bệnh tâm thần và con ăn học 5 năm qua.


Tương tự bà Gương, nhiều PN nghèo khác cũng đã có cơ hội tham gia nhóm tiết kiệm xoay vòng. Tuy số tiền vay không nhiều nhưng nhờ sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích đã giúp các chị vượt qua khó khăn, trong đó nhiều chị đã thoát nghèo. Năm 2012, toàn Hội có 98 PN nghèo, nay 34 chị đã thoát nghèo, đạt 34,7%; trong đó, PN nghèo làm chủ hộ là 28 chị, 12 chị thoát được nghèo, đạt 42,8%. Đây là tỷ lệ khá cao so với chỉ tiêu Hội cấp trên giao (25%/năm). Bà Thanh cho biết, thời gian tới, đối với các mô hình tiết kiệm giúp nhau khác chỉ duy trì, riêng hình thức tiết kiệm theo nhóm sẽ được hội phát triển rộng rãi trong các chi, tổ PN để tạo điều kiện tốt nhất cho PN nghèo.


MINH THIẾT