11:04, 27/04/2013

Chung tay nỗ lực giảm nghèo

2 năm qua, các chính sách hỗ trợ ưu đãi được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai kịp thời đã tạo động lực để hộ nghèo thoát nghèo.

2 năm qua, các chính sách hỗ trợ ưu đãi được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai kịp thời đã tạo động lực để hộ nghèo thoát nghèo.


Nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời


Qua 2 năm (2011 - 2012) triển khai các biện pháp giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chính sách có liên quan, toàn tỉnh đã giảm được 9.762 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 9,4% (năm 2010) xuống còn 7,44% (năm 2011) và 5,56% (năm 2012). Những biện pháp giảm nghèo chủ yếu được triển khai như: Thực hiện các chính sách, dự án tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; hỗ trợ tiền điện, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp; tạo điều kiện hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững...


Thực hiện chính sách giảm nghèo, toàn tỉnh đã mở 237 lớp đào tạo nghề cho hơn 7.370 người nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng. Sau khi đào tạo nghề, đã có hơn 75% người học có việc làm và tự tạo được việc làm. Cùng với đó, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167, toàn tỉnh đã huy động hơn 27 tỷ đồng, tiến hành xây dựng và bàn giao hơn 1.180 căn nhà cho hộ nghèo, hoàn thành 100% kế hoạch theo tinh thần “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tham gia đóng góp để xây dựng 1 căn nhà”. Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành hỗ trợ xây dựng 87 căn nhà mới cho hộ nghèo. Việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo cũng được các cấp, ngành triển khai đồng bộ đã hỗ trợ cho hơn 35.230 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

  Với những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo.
Với những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo.


Xác định chính sách tín dụng ưu đãi là cầu nối giúp người dân thoát nghèo, tỉnh đã giải quyết cho 1.927 hộ nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh phân công 188 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chung tay xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 32 xã bằng nhiều hình thức giúp đỡ khác nhau, nhằm tạo động lực cho người nghèo vươn lên.


Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo cũng được các cấp, ngành, địa phương triển khai sâu rộng. Qua 2 năm, địa phương đã chi hơn 140 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 163.000 lượt người nghèo, 26.300 người dân tộc thiểu số và 164.600 lượt người cận nghèo. Cùng với đó, hơn 20.100 lượt học sinh được miễn, giảm học phí và hơn 196.240 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. Tỉnh cũng đã cấp học bổng cho hơn 8.550 học sinh người dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 14.700 hộ nghèo vay hơn 239 tỷ đồng nguồn vốn học sinh - sinh viên nghèo để đầu tư cho con em học tập. 

   
Khuyến khích người dân chủ động thoát nghèo

 

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Các bộ, ngành, địa phương cần phân loại nhóm đối tượng để có chính sách cụ thể, theo hướng giảm dần các chính sách “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách gián tiếp, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo. Cần nghiên cứu sửa đổi những chính sách có nhiều vướng mắc trong triển khai, ban hành các chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng thêm đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để góp phần giải quyết giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

Mục tiêu của tỉnh là đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%. Để đạt mục tiêu này cần sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương; tuy nhiên, tỉnh khuyến khích người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.


Định hướng chính sách giảm nghèo trong những năm tiếp theo được Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững xác định là giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo; đồng thời sẽ mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thời gian hỗ trợ chính sách đối với hộ nghèo sẽ được quy định cụ thể. Nếu hộ nghèo thiếu ý chí vươn lên, trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo thì sẽ tạm dừng việc hỗ trợ, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, các địa phương cần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai chương trình giảm nghèo bền vững như: Nguồn lực đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế; các chính sách tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp; việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững còn chậm; việc bố trí vốn cho cơ sở hạ tầng thiếu tập trung, còn dàn trải, chưa đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vẫn còn một số người nghèo thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng...


PHÚ VINH