09:04, 26/04/2013

Cần nâng cao nhận thức để thoát nghèo

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội  vùng đồng bào dân tộc thiểu số  và miền núi đã đạt được kết quả khả quan.

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt được kết quả khả quan.


Khánh Hòa có 49 xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao với 31 DTTS sinh sống, gần 11.000 hộ với hơn 54.000 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Raglai chiếm hơn 72%, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.


Những năm qua, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy hiệu quả thiết thực. Các chủ trương về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, thông qua các chính sách, dự án, chương trình như: vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, định canh định cư..., Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy hiệu quả rõ nét. Các địa phương đã xây dựng được những giải pháp cụ thể và thực hiện thành công về cơ bản chương trình xóa đói, giảm nghèo (XĐGN). Bằng các chương trình, mục tiêu cụ thể, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ theo hướng vườn rừng - vườn nhà, hỗ trợ xây dựng nhà ở nhằm vận động đồng bào DTTS định canh định cư, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật… Thông qua các chương trình, người dân đã được hưởng lợi nhiều hơn từ giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở, cho vay vốn phát triển kinh tế. Phong trào làm kinh tế giỏi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất được người dân chú trọng nên đời sống đã được cải thiện rõ nét.

Những năm qua, chương trình kinh tế - xã hội miền núi đã xây dựng được nhiều nhà định canh định cư cho người dân tộc thiểu số. Ảnh Hoàng Triều.
Những năm qua, chương trình kinh tế - xã hội miền núi đã xây dựng được nhiều nhà định canh định cư cho người dân tộc thiểu số.


Năm 2012, toàn tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS khó khăn với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng (6.131 hộ/26.041 khẩu nghèo); cho 1.387 hộ nghèo vay vốn với số tiền gần 7 tỷ đồng; xây mới 106 nhà, sửa chữa tô trát 75 nhà cho đồng bào DTTS với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng... Thông qua các chương trình hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm còn 17,88%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 34,35%, góp phần ổn định đời sống; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững…


Năm 2013, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển KT-XH miền núi dự kiến khoảng 16,3 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 12 tỷ đồng, xây dựng mô hình phát triển sản xuất 1,9 tỷ đồng, thực hiện chính sách an sinh xã hội hơn 1 tỷ đồng… Bên cạnh làm tốt công tác hỗ trợ sản xuất, XĐGN, an sinh xã hội, các địa phương sẽ tiến hành rà soát, lồng ghép nhiều nguồn vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để tránh đầu tư dàn trải, không đúng nội dung chương trình.


Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS mới đây, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nhận xét: Những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ kịp thời nên chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực miền núi đã được nâng lên rõ rệt. Để công tác XĐGN bền vững, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH khu vực miền núi, góp phần vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, ý thức trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện hiệu quả chương trình trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần lựa chọn, xây dựng và phổ biến mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với tập quán của đồng bào nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, các địa phương và đơn vị liên quan cần tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc giao đất, giao rừng, bóc tách đất rừng để giao cho người nghèo có đất sản xuất; nghiêm cấm việc sang nhượng đất của đồng bào DTTS; làm tốt công tác dân số đi đôi với an sinh xã hội.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người dân, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn... để đồng bào DTTS có đủ điều kiện mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo.


Châu An Khánh