11:01, 07/01/2013

Góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh Khánh Hòa, Bộ Khoa học - Công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khả quan, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh Khánh Hòa, Bộ KH-CN, hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khả quan, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Nhiều đề tài được ứng dụng hiệu quả

Bám sát quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, căn cứ định hướng, chương trình phát triển KT-XH của Trung ương và địa phương, hàng năm, Sở KH-CN chủ động xây dựng kế hoạch KH-CN, đặt hàng đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển KH-CN đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.

Kết quả NCKH sau khi nghiệm thu đã được thực hiện các thủ tục đăng ký, chuyển giao cho các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị liên quan để ứng dụng vào thực tiễn quản lý và sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là đề tài Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn yến trong nhà ở Khánh Hòa. Ứng dụng đề tài này, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã cho ấp nuôi nhân tạo chim yến đạt tỉ lệ nở trên 80%, tỉ lệ nuôi chim trưởng thành đạt trên 35%. Kết hợp với kỹ thuật nhân đàn, di đàn, nguyên lý phát triển hang yến, đàn yến mới để tăng nhanh quần thể chim yến, đến nay, Công ty đã phát triển thành công số đảo yến mới, nâng số đảo yến lên 29 đảo với 152 hang yến. Ngoài ra, Công ty còn di đàn và phát triển quần thể chim yến tại một số tỉnh, tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi chim yến thành công cho hơn 300 nhà yến tại các tỉnh.

Kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp Công ty Yến sào Khánh Hòa phát triển thêm nhiều hang yến chất lượng.
Kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp Công ty Yến sào Khánh Hòa phát triển thêm nhiều hang yến chất lượng.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhiều đề tài có giá trị đã được thực hiện thành công, ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu là đề tài Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài Lutraria rhynchaena Jonas 1844 tại Khánh Hòa. Ứng dụng đề tài này, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 200 trại sản xuất giống tu hài, sản xuất hơn 300 triệu con giống, doanh thu 24 tỷ đồng, lợi nhuận 15 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 80 hộ nuôi tu hài thương phẩm, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, doanh thu 48 tỷ đồng, lợi nhuận 32 tỷ đồng. Hiện Khánh Hòa đã trở thành nơi cung cấp giống tu hài cho cả nước, giải quyết việc làm cho cộng đồng ngư dân ven biển. Ngoài ra, còn có nhiều đề tài có giá trị được ứng dụng đạt hiệu quả cao như: Chuyển giao công nghệ sản xuất giống hải sâm cát Holothuria scabra cho tỉnh Khánh Hòa; Nuôi cá lồng bè; Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu giải pháp bảo vệ nguồn lợi rong mơ tại Khánh Hòa; Phục tráng giống mía tím thuần chủng ở Khánh Sơn...

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 40 tổ chức tham gia hoạt động KH-CN, gồm các viện, phân viện, trung tâm, tổ chức KH-CN thuộc Trung ương; trường đại học, học viện, trường cao đẳng; các chi cục, trung tâm trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, môi trường, công nghệ thông tin... Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đơn vị như các bệnh viện lớn của tỉnh, các công ty, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các đơn vị KH-CN thuộc Bộ Quốc phòng.

Trên lĩnh vực y tế, nhiều đề tài đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tiêu biểu là đề tài Nghiên cứu giá trị của sự hồi phục đoạn ST trên điện tâm đồ trong việc đánh giá hiệu quả của điều trị tái tưới máu cơ tim và tiên lượng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Đề tài đã xây dựng được phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim bằng phương pháp can thiệp mạch vành, góp phần nâng cao năng lực điều trị bệnh tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân. Trong năm 2011, đề tài đã được ứng dụng điều trị cho hơn 300 lượt bệnh nhân, tỉ lệ thành công trên 95%. Ngoài ra còn có các đề tài giá trị khác như: Nghiên cứu ứng dụng bảo quản nắp sọ bằng phương pháp đông lạnh ở nhiệt độ -37độ C; Nghiên cứu nâng cấp hệ thống điều khiển thiết bị công cộng trên mạng máy tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, các đề tài đã sưu tầm và thu thập, xuất bản được nhiều tư liệu, hiện vật quý, có giá trị văn hóa, góp phần phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Kết quả NCKH trong giáo dục đã được sử dụng để xây dựng chương trình giảng dạy lịch sử địa phương, đổi mới phương pháp giảng dạy...

Khoa học và công nghệ phải gắn với thực tiễn cuộc sống

Giai đoạn 2013 - 2015, với mục tiêu từng bước nâng cao trình độ phát triển KH-CN của tỉnh (một số lĩnh vực có thể đạt trình độ khu vực và quốc tế), góp phần đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, KH-CN, đặc biệt là công nghệ biển, Sở KH- CN đã đề ra nhiều giải pháp như: Triển khai thực hiện quy hoạch KH-CN, xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình phát triển KH-CN; củng cố hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KH-CN từ tỉnh đến cơ sở; phát triển, tạo nguồn nhân lực, trọng dụng cán bộ KH-CN; tăng cường quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành, địa phương để đổi mới, xây dựng kế hoạch phát triển KH-CN...

Để thực hiện được mục tiêu trên, vừa qua, tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở KH-CN đã kiến nghị với tỉnh một số vấn đề như: Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho KH-CN để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về KH-CN; tăng cường nhân lực, kinh phí hoạt động cho Sở; xây dựng các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN; chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với Sở trong hoạt động KH-CN để nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN trên địa bàn...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, KH-CN bao gồm 2 nội dung là nghiên cứu và ứng dụng. Đây là 2 lĩnh vực khác nhau nhưng đều gắn bó với thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở KH-CN cần tích cực tham mưu cho tỉnh những đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng có tính thực tiễn cao, liên quan mật thiết đến các hoạt động sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh; mạnh dạn đề xuất việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tế; tham mưu đặt hàng cho các đơn vị NCKH để có sản phẩm nghiên cứu đạt chất lượng, sát với nhu cầu cuộc sống...

NGỌC KHÁNH