02:01, 04/01/2013

Cần hiểu đúng kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu

Đến thời điểm này, cơn sốt về cây xáo tam phân vẫn chưa hạ nhiệt. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lại đang đau đầu trước thực trạng khai thác mất kiểm soát loại cây này; còn các nhà y tế thì lo ngại nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trước tình trạng người dân tự dùng xáo tam phân vô tội vạ…

Đến thời điểm này, cơn sốt về cây xáo tam phân vẫn chưa hạ nhiệt. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lại đang đau đầu trước thực trạng khai thác mất kiểm soát loại cây này; còn các nhà y tế thì lo ngại nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trước tình trạng người dân tự dùng xáo tam phân vô tội vạ…

Kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Dược liệu Trung ương cho thấy một số hoạt chất tìm thấy trong cây xáo tam phân có tác dụng ức chế viêm gan cấp, ức chế tế bào ung thư khi thử nghiệm trên chuột nhắt trắng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh: Kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu chỉ mới là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Bước đầu nghiên cứu một loại cây mới như xáo tam phân thì cũng phải thí nghiệm nhiều lần trên động vật, sau đó thử trên người. Việc thử nghiệm trên người cũng phải qua rất nhiều giai đoạn và thăm dò trên những bệnh nhân tự nguyện nhằm đánh giá độc tính, tác dụng dược lý của nó rồi mới chỉ định liều dùng. Nhưng, người dân mới nghe Viện Dược liệu công bố kết quả thì đã đổ xô tìm mua và tự sử dụng, điều này rất nguy hiểm. Chỉ mới là thử nghiệm bước đầu nên Viện Dược liệu cũng chưa có thông tin về các hoạt chất gây ức chế viêm gan cấp và ức chế một số tế bào ung thư trong cây xáo tam phân đối với những tế bào bình thường khác như thế nào? Chính vì vậy, với tình trạng người có bệnh uống để điều trị, người không bệnh uống để phòng ngừa như hiện nay có thể dẫn đến lợi bất cập hại. “Hoạt chất ức chế được tế bào ung thư tác động đến sự phân bào, không loại trừ ảnh hưởng đến chức năng khác của cơ thể, cần phải chờ thí nghiệm lâm sàng mới trả lời được. Người làm công tác chuyên môn như chúng tôi rất lo ngại, một loại thuốc chưa được nghiên cứu đầy đủ mà dùng tự phát là rất nguy hiểm” - ông Thướng nhấn mạnh.

Mặt khác, các đầu nậu mua thân và rễ xáo tam phân về lại không sử dụng loại dao chuyên dùng cho việc cắt thuốc đông y mà kê lên các thanh gỗ để chặt thành từng lát mỏng. Nguy cơ bột từ các thanh gỗ bị trộn lẫn với xáo tam phân cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu các loại gỗ đó có hoạt chất gây độc cho người.

Hiện chưa có cơ quan chuyên môn nào đưa ra chỉ định điều trị, liều dùng, cách dùng cây xáo tam phân! Thế nhưng, nhiều nông dân ở Ninh Vân không hề biết gì về chuyên môn y học hay kinh nghiệm gia truyền nay trở thành “thầy thuốc” bán thuốc. Ông Lê Hăng - một người bán xáo tam phân tại Ninh Vân hướng dẫn: “Có bệnh men gan cao, viêm gan, xơ gan và 5 loại ung thư như Viện Dược liệu viết thì uống nhiều hơn, còn không bệnh uống ít hơn, uống phòng ngừa thì mỗi lần chỉ uống 1 lạng trở lại”. Bà Nguyễn Thị Ngà - người dân ở xã Ninh Vân - cũng hướng dẫn người đến mua thuốc: “Cái này chỉ nấu nước uống, ngày uống một lạng nấu với 2 lít nước”.

Một vấn đề cảnh báo nữa là tình trạng trộn lẫn giữa cây xáo tam phân thật với các loại cây khác có thân và rễ tương tự như cây vú bò, cây quýt rừng… Bà Trà Thị Hồng Hải - người đầu tiên ở Ninh Vân đi đào và nhiều năm mua bán loại cây này khẳng định: “Để cả thân và rễ dài có thể nhận biết được cây thật, cây giả, còn khi đã chặt nhỏ trộn nửa này, nửa kia thì không thể biết được. Hiện nay, cây xáo tam phân trên rừng Hòn Hèo ở Ninh Vân hết chỗ nguyên sinh, chỉ đi mót lại những chỗ đã khai thác trước đây nên thường lấy nhầm những rễ cây xung quanh. Người ta đưa đến bán, tôi bảo đó là cây giả nhưng họ cũng không bỏ, mà đem bán cho những cơ sở khác và khách lạ”.

Ông Hàng Văn Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Cây xáo tam phân ở rừng Hòn Hèo thuộc khu vực xã Ninh Vân đã bị khai thác cạn kiệt, nên phần lớn xáo tam phân bán trên địa bàn là do các đầu nậu thu mua của những người mang từ địa phương khác tới. Do vậy, khó có thể lường hết được nguy cơ, vì không phải ai cũng biết phân biệt được cây thật hay giả! Hơn nữa, những người đi khai thác chỉ lấy phần thân và rễ, không có lá nên càng khó nhận biết hơn. “Hiện tại có 5 - 6 loại cây giống cây xáo tam phân, địa phương rất lo ngại việc buôn bán này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân” - ông Hướng lo lắng.

A.T