02:01, 04/01/2013

Chọn ngành học nào trong năm 2013?

Những năm gần đây, khi đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng, xu hướng của học sinh là thấy ngành nghề nào đang “nóng” thì đăng ký. Vậy, năm 2013, xu hướng chọn ngành của học sinh như thế nào?

Những năm gần đây, khi đăng ký dự thi vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), xu hướng của học sinh (HS) là thấy ngành nghề nào đang “nóng” thì đăng ký. Vậy, năm 2013, xu hướng chọn ngành của HS như thế nào?  


Nguyễn Hoài Thương, HS lớp 12A10 Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng (Nha Trang): Khi ĐH kinh tế khép bớt cửa, sẽ có nhiều trường khác mở rộng cửa

Xã hội ngày nay không ngừng phát triển và biến động. Điều đó được thể hiện ngay cả trong ngành Giáo dục với sự thay đổi về chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô ngành nghề của các trường ĐH, CĐ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn trường ĐH, CĐ của HS. Đầu năm học lớp 12, khi được hỏi chọn trường nào, ngành nào trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới, phần lớn câu trả lời của các bạn vẫn là Kinh tế, Ngân hàng...; cũng có một số bạn vẫn chưa xác định được đích đến của mình. Nhưng tới thời điểm cuối năm 2012, khi tình hình kinh tế đất nước có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 và điều chỉnh cơ cấu ngành các khối Kinh tế, Tài chính giảm xuống (vì đã bắt đầu có sự dư thừa và thất nghiệp ở các ngành này) thì không ít HS lo lắng trong việc lựa chọn lại ngành nghề.

Nguyễn Hoài Thương
Nguyễn Hoài Thương

Tiếp tục theo đuổi để giành một “vé” vào trường ĐH như dự định hay chuyển hướng để phù hợp với xu thế ngày nay đang là câu hỏi khó với HS. Theo quan điểm của tôi, việc thay đổi chỉ tiêu của các trường ĐH tuy gây khó khăn cho các sĩ tử nhưng phù hợp với sự phát triển của xã hội và đất nước. Vì vậy, tôi luôn mong muốn, khi ĐH Kinh tế đã khép bớt cánh cửa thì sẽ có nhiều trường ĐH khác mở rộng cửa với số điểm hợp lý để HS có thể bước tiếp vào giảng đường ĐH. Tôi đang dự định sẽ thi vào ngành Kinh tế đối ngoại hoặc Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương, bởi tôi rất yêu thích trường này và cũng nhận được sự ủng hộ của bố mẹ.

. Trần Thị Diễm Linh, HS lớp 12C7 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang): Nhiều thí sinh chọn khối A, D

Thời điểm này, đa số HS lớp 12 đã xác định được mục tiêu, định hướng tương lai cho mình. Theo tôi biết, năm nay, xu hướng chọn ngành nghề, chọn khối thi của các HS vẫn thiên về khối A, D nhiều hơn. Có bạn lựa chọn ngành nghề theo sở thích, theo năng lực học tập, nhưng cũng có bạn được ba mẹ định hướng hoặc ép buộc.

Trần Thị Diễm Linh
Trần Thị Diễm Linh

Bản thân tôi đã chọn khối D và dự định sẽ thi vào trường kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Lý do mà tôi và các bạn vẫn theo đuổi ngành Kinh tế, Tài chính là vì nó có tương lai và thực tế hơn đa số các ngành nghề khác. Tuy việc chạy theo các khối thi có số đông sẽ gây ra sự chênh lệch, nhưng trong chúng tôi, ai cũng muốn học xong ra trường có công việc và cuộc sống ổn định. Phần lớn HS thường chọn giải pháp an toàn cho bản thân. Chính vì vậy, cuối cùng vẫn đăng ký theo các khối thi mà đa số mọi người vẫn chọn.

. Vũ Thị Thu Hằng, HS lớp 12C15, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi: Ngành Luật phù hợp với sở thích, năng lực của tôi

So với khối A, B và D, số lượng HS đăng ký dự thi khối C rất ít. Đơn cử như lớp tôi có 46 bạn, nhưng chỉ có tôi và một bạn nữa thi khối C. Kỳ thi ĐH năm nay, tôi chọn ngành Luật vì tôi yêu thích ngành học này và nó phù hợp với năng lực bản thân. Theo tôi biết, xu hướng chọn ngành học năm nay có thay đổi, nhưng nhìn chung, nhóm ngành kinh doanh vẫn được HS ưa chuộng nhất. Phần lớn HS đều chọn khối ngành Kinh tế, Tài chính... cho dù tình hình trong năm 2012 có nhiều biến động đến những ngành này.

Vũ Thị Thu Hằng
Vũ Thị Thu Hằng

Điều tôi băn khoăn hiện nay là liệu ngành mình học sau khi ra trường có xin được việc làm hay không? Khi quyết định chọn lựa ngành học, chúng tôi đều dựa trên mức độ phù hợp với năng lực bản thân, sự yêu thích. Nhưng điều quan trọng là nhu cầu xã hội về nhân lực trong từng lĩnh vực nghề nghiệp thì chúng tôi được biết rất ít. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự định hướng, tư vấn hướng nghiệp để không có lựa chọn sai lầm không chỉ gây lãng phí cho xã hội mà còn cho chính bản thân.

THU HIỀN (ghi)