10:12, 13/12/2012

Tổ ấm cho trẻ em thiếu may mắn

Các em là những trẻ khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… nên mọi sinh hoạt cũng như việc học tập đều rất khó khăn.

Các em là những trẻ khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… nên mọi sinh hoạt cũng như việc học tập đều rất khó khăn. Thế nhưng, với tình thương của cán bộ và giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa, các em đã từng bước được hòa nhập cộng đồng…

Uốn từng nét chữ

Đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa vào một ngày đầu tháng 12, chúng tôi mới hiểu được thế nào là tình thương cũng như nỗi vất vả của các thầy cô giáo nơi đây khi dạy chữ cho trẻ khiếm thính, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Tại lớp học khiếm thính của cô Trịnh Thị Tường Vy, cả cô và trò đang vật lộn với từng con chữ. Lớp học chỉ có 10 học sinh, em nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 12 tuổi. Tất cả các em đều rất khó khăn khi học chữ. Thế nhưng, với sự tận tình của cô giáo Vy, em nào cũng thích đọc. Khi nghe cô Vy hỏi: “Ai xung phong đọc nào?”, cả lớp đều giơ tay.

Để các em dễ tiếp thu bài, các thầy cô giáo ở đây phải tự mày mò, sáng chế một số đồ dùng dạy học phù hợp với từng môn học cho từng học sinh. “Khó khăn nhất là việc trao đổi thông tin với các em đều thông qua cử chỉ bằng tay, được gọi là thủ ngữ. Khả năng tiếp thu của các em rất chậm nên các thầy cô phải kiên nhẫn, kiên trì. Mỗi em khi vào Trung tâm đều có hoàn cảnh khác nhau nên khi tiếp cận với môi trường giáo dục mới thường khó thích nghi, thầy cô phải giải thích rõ ràng, dỗ ngọt các em mới chịu nghe” - cô Tường Vy chia sẻ.    

Bên cạnh lớp học của cô Vy là lớp học “3 trong 1” dành cho các em bị khiếm thính, chậm phát triển, nói khó của cô Trần Thị Xuân Hài. Lớp học chỉ có 10 em nhưng có tới 3 lớp: Lớp 1, 2 và 3. “Mỗi buổi học, tôi chỉ dạy mấy phép toán đơn giản thôi. Dạy nhiều các em không tiếp thu được. Các em không được như những học sinh bình thường khác nên sức khỏe không được tốt, học một lúc các em đã thấy mệt. Vì thế, cô giáo phải nghĩ ra nhiều trò để các em luôn thoải mái; Vừa học vừa chơi mới gây được sự hứng thú cho các em, từ đó các em mới dễ tiếp thu bài” - cô Hài tiết lộ.

Cô Tường Vy hướng dẫn từng nét chữ cho trẻ khiếm thính.
Cô Tường Vy hướng dẫn từng nét chữ cho trẻ khiếm thính.

Với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo ở Trung tâm, nhiều trẻ khuyết tật đã trở nên lanh lợi, hiểu biết hơn. Em Nguyễn Thị Kim Ngân (15 tuổi, xã Ninh Sơn) bị khiếm thính, khi đến Trung tâm Ngân tỏ ra khờ dại, hay cáu gắt, nhưng sau thời gian học tập, Ngân đã trở nên nhanh nhẹn, biết giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng thủ ngữ, được bạn bè quý mến và điều đáng nói là chữ viết của Ngân rất đẹp. Trường hợp em Trần Văn Hoan (8 tuổi, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) cũng là một ví dụ. Hoan bị khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, nhưng sau một thời gian, nhờ sự dạy bảo tận tình của thầy cô giáo, Hoan đã nói được những câu ngắn...

Hết lòng vì trẻ khuyết tật

Cùng với việc dạy chữ, giáo dục cách ứng xử thông thường, các thầy cô giáo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa còn đảm trách việc luyện tập, phục hồi chức năng cho những học sinh thiểu năng trí tuệ. Bà Phạm Thị Kim Anh - nhân viên y tế của Trung tâm cho biết: “Việc luyện tập phục hồi chức năng cho các em khó khăn hơn so với việc dạy chữ. Bởi các em tiếp thu chậm, mọi sự hướng dẫn đều thể hiện bằng thủ ngữ, hơn nữa nhiều em có thể lực rất yếu. Do đó, nếu không có tình thương và hết lòng vì trẻ khuyết tật thì khó có thể trụ lại Trung tâm”. Chứng kiến bà Anh hướng dẫn học sinh tập luyện những động tác bằng thiết bị dành cho trẻ khuyết tật, chúng tôi thầm cảm phục lòng kiên nhẫn của đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo ở đây.

Ông Lê Đình Thu - Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa cho biết: “Trung tâm hoạt động từ tháng 9-2007 với chức năng chăm sóc, giáo dục thể chất, tinh thần cho trẻ khuyết tật của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật không chỉ đòi hỏi sự tận tình mà đội ngũ thầy cô giáo còn phải có cái tâm trong công việc. Để mỗi cán bộ, nhân viên làm tròn hơn nữa nhiệm vụ của mình, Trung tâm luôn chú trọng lồng ghép các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào nhiệm vụ chuyên môn của từng phòng, từng lĩnh vực. Nhờ đó góp phần làm chuyển biến nhanh, mạnh về mặt tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên. Đáp lại tấm lòng của các thầy cô giáo, đến nay 100% học sinh khuyết tật đều biết đọc, viết, làm các phép tính cộng trừ đơn giản. Các trẻ khiếm thính đã biết trò chuyện với nhau bằng thủ ngữ và tự chăm lo một phần cho mình trong sinh hoạt”.

Có thể nói, bằng tất cả tình thương yêu của mình, các cán bộ, giáo viên ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa đã và đang giúp các em khuyết tật hòa nhập cộng đồng, mang lại nhiều niềm vui cho những trẻ em thiếu may mắn...

VĂN GIANG