10:12, 25/12/2012

Một thương binh vượt khó, làm giàu

Ông Nguyễn Tiến Cường (52 tuổi, thương binh 4/4, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã vượt qua thương tật để lao động sản xuất, làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Tiến Cường (52 tuổi, thương binh 4/4, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã vượt qua thương tật để lao động sản xuất, làm giàu chính đáng.

Những năm tháng không quên

Ông Cường sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 người con ở TP. Nha Trang. Đến tuổi trưởng thành, các anh của ông đều lần lượt tham gia bộ đội. 19 tuổi (năm 1979), ông trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, vào Sư đoàn 315 Quân khu 5. Sau đó, ông được điều đi Campuchia giúp nước bạn truy quét tàn quân Pônpốt.

18
Ông Cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh trên cây mía cho người lao động.

“Vào đầu năm 1981, xác định được điểm chốt tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đang được quân Pônpốt lập chiến dịch thảm sát dân lành, chúng tôi đã phục kích chờ lệnh tiêu diệt. Khi bị đánh bất ngờ, quân địch đã không kịp trở tay, tạo thuận lợi cho bộ đội tiến vào tiêu diệt toàn bộ. Tại điểm đánh này, chúng tôi đã tiêu diệt hơn 100 tên lính Pôn Pốt...” - ông Cường bồi hồi kể. Thế nhưng, cũng chính tại cuộc truy quét này, ông bị thương. Sau một tháng điều trị, ông tiếp tục quay lại đơn vị tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công. “Những năm tháng chiến đấu ở nước bạn là khoảng thời gian gian khổ, vất vả và hiểm nguy nhất trong đời lính. Sự sống và cái chết luôn thường trực. Nhưng cũng chính trong gian nguy ấy, tinh thần quật cường, lòng trung thành với cách mạng của chúng tôi thể hiện cao độ” - ông Cường nói.

Quyết chí làm giàu

Năm 1983, ông Cường xuất ngũ về địa phương rồi xây dựng gia đình riêng. Trở lại cuộc sống đời thường với biết bao khó khăn, vất vả khi ông mang trên mình vết thương do chiến tranh, nhưng với phẩm chất của người lính cụ Hồ, ông đã chọn vùng kinh tế mới Ninh Thượng để lập nghiệp. Thời đó, vùng đất này rừng núi bạt ngàn. Để có đất canh tác, vợ chồng ông phải khai khẩn đất hoang từ năm này qua năm khác. Nhờ vậy, diện tích đất sản xuất của gia đình không ngừng được mở rộng. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 50ha đất sản xuất.

35
Ông Cường hướng dẫn kỹ thuật bảo trì máy móc cho người lao động.

Ban đầu, gia đình ông trồng cây ngắn ngày như các loại đậu, dưa... theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, giải quyết khó khăn trước mắt. Năm 1996, thấy cây mía có nhiều triển vọng, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng mía đường. Cũng chính từ đây, kinh tế của gia đình ông phát triển mạnh. Hàng năm, gia đình ông thu nhập bình quân từ cây mía hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/người/ngày. Có tiền, ông đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, nhờ đó đã giảm chi phí, tiết kiệm thời gian sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - người làm thuê cho ông Cường chia sẻ: “Do gia đình nghèo, tôi không có điều kiện ăn học nên khó xin việc. Trong lúc không có việc làm, tôi đã được ông Cường nhận vào làm việc chăm sóc mía với mức lương phù hợp. Ông còn truyền lại kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc mía cho chúng tôi. Từ những điều đã học được cùng với sự giúp đỡ về vốn của ông Cường, hiện nay, gia đình tôi cũng đang phát triển mô hình trồng mía đường, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo...”.

Cuộc sống gia đình khấm khá cũng là lúc ông Cường có điều kiện giúp đỡ đồng đội, bà con lối xóm về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất. Ông cho biết: “Kiến thức từ những lớp tập huấn kỹ thuật do công ty đường, chính quyền địa phương tổ chức, tôi đều đưa vào áp dụng, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với mọi người trong thôn. Những người làm việc cho gia đình đều được tôi hỗ trợ nguồn vốn ban đầu và kỹ thuật để đầu tư sản xuất. Nhờ đó, nhiều người đã thoát nghèo, làm ăn khấm khá”. Bên cạnh đó, hàng năm, ông Cường đều tham gia hỗ trợ các hoạt động từ thiện xã hội như: hỗ trợ người nghèo, tàn tật, nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ các quỹ: đền ơn đáp nghĩa, khuyến khọc, khuyến tài...

Ông Nguyễn Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng nhận xét: “Tuy là thương binh, nhưng ông Cường đã đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình và các phong trào của địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn hòa đồng với mọi người, tích cực tham gia vận động bà con địa phương chung tay xây dựng kinh tế, gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...”.

HƯƠNG GIANG