07:12, 12/12/2012

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Còn vướng mắc

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm quản lý, khai thác hiệu quả, tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn không ít vướng mắc.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm quản lý, khai thác hiệu quả, tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn không ít vướng mắc.

Hiệu quả bước đầu

Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ (từ các ban quản lý, tổ quản lý sang doanh nghiệp - DN - và hợp tác xã - HTX), toàn tỉnh đã có 9 chợ chuyển đổi hoàn tất và đi vào hoạt động gồm các chợ: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), Cam Lộc, Cam Nghĩa, Ba Ngòi (TP. Cam Ranh), Dục Mỹ (thị xã Ninh Hòa), Cam Thành Bắc, Suối Tân, Suối Cát (huyện Cam Lâm). Theo đánh giá của Sở Công Thương, tuy DN và HTX mới trúng thầu quản lý, điều hành chợ nhưng đã từng bước đưa hoạt động chợ đi vào nề nếp. Việc bố trí, quy hoạch, sắp xếp lại ngành hàng, hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các hạng mục trong chợ, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy đã có cải tiến đáng kể so với trước.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng TP. Cam Ranh nhận định, việc chuyển đổi mô hình quản lý 3 chợ trên địa bàn Cam Ranh đã có hiệu quả bước đầu. Trước đây, phí, lệ phí tại các chợ không đủ trang trải chi phí quản lý chợ (hàng năm, chợ Ba Ngòi phải bù lỗ hơn 20 triệu đồng để chi lương cho người lao động). Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, thu ngân sách hàng năm đã tăng lên, chi phí đầu tư sửa chữa nhỏ đều do DN tự trang trải. Đối với việc sửa chữa, cải tạo chợ quy mô lớn, DN phối hợp với các địa phương vận động tiểu thương đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chẳng hạn, tại chợ Ba Ngòi (đã bàn giao cho DN quản lý hơn 1 năm), DN đã ứng vốn gần 90 triệu đồng để bê tông hóa khu vực đường đi, khu bán hàng. Còn tại chợ Cam Lộc, DN quản lý chợ dự kiến ứng vốn 1,9 tỷ đồng để đầu tư mở rộng chợ...

Còn nhiều khó khăn

1

Tại nhiều chợ, vỉa hè, lòng đường xung quanh chợ thường bị lấn chiếm làm nơi buôn bán (ảnh chụp tại chợ Dinh, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Theo bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương, do việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn khá mới nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Một số nơi chưa thống nhất được các loại thuế mà DN quản lý chợ phải nộp. Bên cạnh đó, còn khó khăn trong giải quyết lao động cũ trong biên chế của các ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ sau khi đã bàn giao cho đơn vị quản lý mới; hồ sơ mời thầu trong công tác chuyển đổi chưa thống nhất; công tác phân loại phí chợ và phí thuê điểm kinh doanh còn lúng túng. Ngoài ra, do kinh phí đầu tư cải tạo, mở rộng chợ còn hạn chế, một số chợ chưa được đầu tư xây dựng nên không đủ khả năng thu hút DN tham gia đấu thầu khai thác và quản lý. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm.

Hiện nay, có 12 ban quản lý, 75 tổ quản lý, 3 DN, 1 HTX, 7 hộ kinh doanh cá thể tham gia tổ chức quản lý chợ.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 140 chợ đang hoạt động (125 chợ phù hợp quy hoạch, 15 chợ tạm) với khoảng hơn 10 ngàn hộ kinh doanh cố định và hơn 4 ngàn người bán hàng vãng lai. Từ năm 2009 đến nay, có 10 chợ hạng 3 được xây dựng mới, 11 chợ được cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn đầu tư hơn 71 tỷ đồng... Theo quy hoạch phát triển chợ đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng mới khoảng 52 chợ, di dời 13 chợ hạng 3, cải tạo, nâng cấp 29 chợ với tổng nguồn vốn hơn 222 tỷ đồng.

Hiện nay, một số chợ, đặc biệt là các chợ nội thành, đều nằm trong khu vực dân cư đông đúc, diện tích nhỏ hẹp nên thường quá tải về mặt bằng kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, nhiều người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xung quanh chợ làm nơi buôn bán đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, thu phí, quy hoạch lại ngành hàng, vệ sinh môi trường... Tại nhiều chợ, nhất là các chợ nông thôn, thiết bị phòng cháy chữa cháy còn trang bị mang tính hình thức, nhiều hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn cháy nổ. Vụ cháy chợ Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa) đã minh chứng hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ.

Theo kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ, dự kiến từ nay đến năm 2015, sẽ có 11 chợ hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu khai thác và quản lý gồm: chợ Vĩnh Hải (TP. Nha Trang), chợ Thành (huyện Diên Khánh), chợ Dinh (thị xã Ninh Hòa), chợ Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh) và 6 chợ hạng 3 trên các địa bàn: Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, Khánh Sơn. Để làm tốt công tác này, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp như: Sớm có chính sách giải quyết lao động trong biên chế của các ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ sau khi giao chợ cho DN hoặc HTX; sớm giải quyết một số vấn đề về tiền thuê đất, thuế đất đối với các DN trúng thầu quản lý chợ; xem xét cấp kinh phí cho các địa phương thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ...

V.A