Được triển khai từ năm 2011 nhưng đến nay, Dự án Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (gọi tắt là Dự án 470) vẫn chưa có người lao động nào đăng ký dự tuyển.
Được triển khai từ năm 2011 nhưng đến nay, Dự án Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (gọi tắt là Dự án 470) vẫn chưa có người lao động (NLĐ) nào đăng ký dự tuyển.
Dự án 470 nhằm tạo điều kiện cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo và người dân tộc thiểu số (DTTS) có việc làm, nâng cao thu nhập. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã chọn Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh thực hiện Dự án với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng (năm 2011 đã triển khai Dự án nhưng chưa đạt hiệu quả nên năm 2012, Sở LĐ-TB-XH đã đưa dự án này vào Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015). Dự án 470 tập trung hỗ trợ, trang bị cho NLĐ kiến thức, chuyên môn khi làm việc ở nước ngoài như: hỗ trợ chi phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ tiền ăn hàng ngày, chi phí đi lại khi học tập; hỗ trợ các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài (hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe...).
Không người tham gia
Sở LĐ-TB-XH đã nhanh chóng phối hợp với các địa phương tổ chức hơn 20 buổi tuyên truyền, vận động NLĐ đăng ký tham gia. Đồng thời, cho in và phát hành 27.000 tờ rơi tuyên truyền về Dự án 470. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa mở các chuyên mục tuyên truyền; phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) do Cục Việc làm giới thiệu xuống tận địa bàn để tuyên truyền chính sách.
Tuy đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với Dự án 470. |
Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Triển khai Dự án, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các địa phương để khảo sát nhu cầu và hướng dẫn cho khoảng 600 NLĐ có nhu cầu đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tham gia các buổi tư vấn. Các doanh nghiệp (DN) hoạt động XKLĐ cũng thường xuyên tổ chức tư vấn tại các xã, phường và thị trấn, chủ yếu là các địa phương miền núi. Tuy nhiên, qua khảo sát, tuyên truyền, đa số NLĐ thuộc dự án đều không mặn mà. Cho đến nay, chưa có NLĐ nào đăng ký tham gia nên nguồn vốn hỗ trợ của Dự án chưa được giải ngân. Chính sách này đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lỡ...”.
Nguyên nhân
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là đối tượng thụ hưởng từ Dự án còn hạn hẹp, chỉ gồm NLĐ DTTS và NLĐ thuộc diện hộ nghèo. Ngoài ra, thị trường lao động nước ngoài do các công ty hoạt động XKLĐ cung cấp chủ yếu tập trung ở Malaysia. Theo các công ty này, thị trường Malaysia có điều kiện và yêu cầu phù hợp với nhóm đối tượng là NLĐ DTTS và NLĐ thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, mức thu nhập tích lũy của NLĐ tại thị trường này còn thấp (chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng), ngang bằng thu nhập của lao động ở thị trường trong nước. Ngoài ra, thị trường lao động tại Malaysia hiện có nhiều rủi ro nên NLĐ ít mặn mà tham gia.
Bên cạnh đó, do trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, tay nghề của NLĐ thuộc hộ nghèo và đồng bào DTTS còn hạn chế; sức khỏe của những đối tượng này cũng rất khó đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động ở nước ngoài.
Một nguyên nhân khác, theo Sở LĐ-TB-XH, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển năm sau cao hơn năm trước. Công tác tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở mức cao so với cả nước; việc làm trong tỉnh cũng đảm bảo giải quyết được nhu cầu của NLĐ. Điều này làm cho người dân tin tưởng vào các chính sách an sinh xã hội của chính quyền địa phương, dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại, ngại đi xa... Anh Bo Bo Tới (người dân tộc Raglai, xã Sơn Trung, Khánh Sơn) nói: “Tôi rất ngại đi xa, ở nhà làm rẫy được gần vợ, gần con. Với lại, tôi cũng không có tiền để tham gia. Sang đó, tôi biết làm gì khi mà kiến thức nghề nghiệp không có...”.
Ông Mai Xuân Trí cho biết: “Chính sách hỗ trợ của Dự án chưa đồng bộ. NLĐ thuộc diện hộ nghèo được vay vốn tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia XKLĐ với mức tối đa 30 triệu đồng/người, nhưng người DTTS thì chưa được hỗ trợ về vốn vay để tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, các DN gặp nhiều rủi ro khi thanh lý hợp đồng: Nếu có dưới 90% số học viên sau khi tốt nghiệp được đi làm việc ở nước ngoài thì DN chỉ được thanh toán học phí theo số lao động thực tế xuất cảnh. DN không được thanh toán trên các đầu mục đã chi; mọi chi phí trước khi ký hợp đồng, DN phải tự bỏ ra. Do vậy, số DN tham gia Dự án cũng hạn chế và không nhiệt tình (Cục giới thiệu cho tỉnh 10 DN nhưng chỉ có 4 DN phối hợp thực hiện)”.
Cũng theo ông Mai Xuân Trí, để Dự án 470 thật sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cao cho NLĐ khi làm việc ở nước ngoài, Nhà nước cần sửa đổi chính sách cho phù hợp như: Điều chỉnh nội dung và mức hỗ trợ, đảm bảo hỗ trợ 100% chi phí cho NLĐ khi tham gia Dự án; xây dựng quy trình tổ chức thực hiện đơn giản, tạo điều kiện cho DN tham gia. Đồng thời, mở rộng đối tượng thụ hưởng Dự án cho cả lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất, lao động thuộc hộ cận nghèo và hộ gia đình khó khăn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong... Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vay vốn tín chấp và lãi suất ưu đãi cho tất cả đối tượng tham gia Dự án, bởi các đối tượng này (trừ hộ nghèo) hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nào khi tham gia XKLĐ...
PHÚ VINH