03:11, 05/11/2012

Gian nan thu hồi nợ thuế

Thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế, vẫn còn không ít đơn vị cố tình dây dưa, chây ỳ để nợ đọng tiền thuế, trốn thuế. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn tạo áp lực cho cơ quan Thuế…

Thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế, vẫn còn không ít đơn vị cố tình dây dưa, chây ỳ để nợ đọng tiền thuế, trốn thuế. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn tạo áp lực cho cơ quan Thuế…

Nợ thuế vẫn ở mức cao

Trước tình hình nợ thuế tăng cao và diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, ngành Thuế Khánh Hòa đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp như: Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức đối thoại, tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng nợ thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; công khai những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành cưỡng chế nợ thuế… Mặt khác, các chi cục thuế đã chủ trì, phối hợp với đội kiểm tra liên ngành kiểm tra tại trụ sở DN để thực hiện việc lập biên bản đôn đốc thu nộp; phối hợp với phòng Tài chính, Kho bạc Nhà nước rà soát các DN có xây dựng công trình do vốn Nhà nước đầu tư, yêu cầu nộp thuế trước khi thanh quyết toán tài chính…

Tuy nhiều giải pháp đã được thực thi nhưng đến nay, tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh vẫn ở ngưỡng cao và diễn biến phức tạp. Một số Chi cục Thuế như: Cam Lâm, Khánh Sơn… có số nợ thuế tháng 9-2012 giảm so với tháng 12-2011 nhưng không đáng kể. Ông Cao Huy Thảo - Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh cho biết: “Tính đến ngày 30-9-2012, tổng số nợ thuế toàn tỉnh hơn 240 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với ngày 31-12-2011, riêng nợ có khả năng thu tăng 30%. Dự báo từ nay đến cuối năm, suy thoái kinh tế vẫn còn bị ảnh hưởng, nhiều DN sản xuất kinh doanh không hiệu quả, bỏ địa chỉ kinh doanh không khai báo, để nợ thuế lớn. Vì vậy, công tác thu hồi nợ thuế những tháng còn lại rất khó khăn”.

Nhiều nguyên nhân

Nợ thuế tăng cao ngoài việc DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có khả năng nộp thuế đúng hạn, còn do ý thức chấp hành chính sách pháp luật thuế của nhiều DN kém. Ông Cao Huy Thảo bày tỏ: “Thời gian qua, ngành Thuế đã làm việc nhiều lần với các DN nợ thuế để tìm biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thanh toán nợ thuế. Thế nhưng, DN vẫn để nợ kéo dài, nộp từng ít một. Nhiều đơn vị còn cố tình chây ỳ, lẩn tránh, không chịu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế”. Điển hình như tại huyện Diên Khánh: Chi cục Thuế huyện đã tổ chức đối thoại với 77 lượt DN thường xuyên nợ thuế quá 90 ngày nhưng chỉ có 9 DN đến làm việc và cam kết nộp dần; UBND huyện chủ trì đối thoại với 11 DN nợ thuế lớn nhưng chỉ có 3 DN cam kết nộp. Cục Thuế tỉnh đã nhiều lần thông tin công khai những DN nợ thuế trên các phương tiện truyền thông, nhưng DN vẫn để nợ thuế kéo dài. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế theo trình tự quy định của Luật Quản lý thuế còn phức tạp nên công tác thu nợ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tài khoản của các DN không còn tiền để cơ quan Thuế có thể làm thủ tục cưỡng chế nợ thuế qua ngân hàng; toàn bộ tài sản của DN đều đã thế chấp để vay vốn nên cơ quan Thuế không thực hiện được biện pháp kê biên tài sản. Khi cơ quan Thuế lựa chọn biện pháp cưỡng chế phù hợp, các đối tượng bị cưỡng chế luôn tìm cách né tránh, không chịu hợp tác…

Ngoài ra, tại một số địa phương, công tác quản lý nợ thuế chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo áp dụng các biện pháp thu hồi nợ thuế. Ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Tại huyện Cam Lâm, tuy Huyện ủy, Thường trực UBND huyện, Ban chỉ đạo đôn đốc thu nợ của tỉnh, huyện đã có nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo xử lý trốn thuế của DN Tư nhân Bá An và cưỡng chế kê biên tài sản đối với DN Tư nhân Khánh Vân, thế nhưng không hiểu vì sao vụ việc kéo dài từ năm 2010 đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết”.

Cần chung tay tháo gỡ

Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế Khánh Hòa sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ thuế. Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, ngành Thuế đang đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; theo dõi chặt chẽ thời gian gia hạn và tổ chức đôn đốc thu nộp ngay khi hết thời gian gia hạn nợ thuế… Để thu hồi nợ thuế cũ và hạn chế nợ mới phát sinh, ngoài sự cố gắng của ngành Thuế, rất cần sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chức năng. Trước mắt, chính quyền địa phương cần chỉ đạo UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người nộp thuế tự giác chấp hành nộp thuế tại kho bạc, các ngân hàng thương mại; kiên quyết tổ chức cưỡng chế những trường hợp có khả năng nộp thuế nhưng cố tình không chấp hành... Cơ quan Công an cần phối hợp với cơ quan Thuế trong việc truy tìm các DN nợ thuế lớn, trốn khỏi địa chỉ kinh doanh để tránh tình trạng chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước.

KIM THAO