09:11, 06/11/2012

Nuôi trồng, đánh bắt hải sản chưa hợp lý

Nguồn nước ô nhiễm làm cho hải sản chết hàng loạt, cọc lưới ken dày khiến giao thông đường thủy khó khăn... đang là thực trạng ở đầm Nha Phu...

Nguồn nước ô nhiễm làm cho hải sản chết hàng loạt, cọc lưới ken dày khiến giao thông đường thủy khó khăn... đang là thực trạng ở đầm Nha Phu...

Đầm Nha Phu rộng khoảng 1.500ha. Khu vực này là nguồn sống của hàng ngàn ngư dân các xã, phường ven biển của TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa. Từ hơn 10 năm trở lại đây, người dân bắt đầu nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Cả khu đầm rộng lớn nay đã được các ngư dân cắm cọc để đánh lưới đăng, nuôi vẹm xanh, hàu sữa, ốc hương.

Mất an toàn giao thông đường thủy

Ông Phạm Băng (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) trần tình: “Hồi xưa, mặt biển rộng mênh mông, thỉnh thoảng mới có một khu cắm cọc nuôi trồng; nay chỗ nào cũng thấy cọc cắm chi chít. Người ta cắm cọc ken dày khiến ghe thuyền ra vào khó khăn; không cẩn thận còn bị va vào bãi cọc, chân vịt thuyền vướng bẫy nhử như chơi”. Ông Tám Đê (trú thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) bức xúc: “Bây giờ, mạnh ai nấy tranh giành vùng rạn trào đầu mũi đầm Nha Phu. Vùng này đâu đâu cũng ken đặc cọc”.

Tình trạng người dân cắm cọc vô tội vạ đã ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích (Ninh Hòa), mặt nước biển hiện nay chi chít các cọc nhọn. Nơi thì cắm cọc nuôi trồng, chỗ thì cắm cọc làm lưới đăng. Bãi cọc vươn xa ra ngoài khu vực nước sâu hàng km. Khi ông Trần Tài (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích) dùng ghe chở chúng tôi ra ngoài đầm, chiếc ghe nhỏ đã suýt vướng vào giàn lưới đăng của nhiều người dân trong thôn. Theo các ngư dân địa phương, việc ghe, tàu bị lưới đăng, bẫy nhử tôm hùm quấn vào chân vịt xảy ra thường xuyên. Nhiều xuồng nan còn bị các cọc nhọn đâm thủng. Không chỉ gây cản trở giao thông đối với tàu bè của ngư dân, các bãi cọc còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của các tàu du lịch trong khu vực đầm. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú - đơn vị khai thác dịch vụ vận tải hành khách đi các tuyến đảo trên khu vực đầm Nha Phu, việc thả lưới, thả bẫy, đóng cọc đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận chuyển nguồn khách ra thăm các đảo. Đã rất nhiều lần, ca-nô của Công ty bị dính vào bẫy nhử và vào bãi cọc.

1
Những bãi cọc dày đặc đang gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Ninh Hòa cho hay: “Các bãi cọc trên đầm Nha Phu đã gây ảnh hưởng nhiều đến giao thông đường thủy, làm cản lối đi của tàu thuyền. Trên đầm hiện có tới hơn 180 chiếc lưới đăng đáy càng làm mất an toàn giao thông. Vấn đề này cũng đã được chúng tôi kiến nghị đến cơ quan chức năng, song hiện nay vẫn chưa xử lý được”.

Ô nhiễm nguồn nước

Theo phản ánh của cư dân địa phương, hàng trăm ngàn cọc nhọn của giàn bẫy tôm đã ít nhiều làm thay đổi dòng chảy, gây xáo trộn cuộc sống của các loài sinh vật biển. Đặc biệt, với mật độ nuôi trồng dày đặc, nguồn nước của khu vực đầm hiện nay cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng. 3 năm trở lại đây, tình trạng vẹm xanh, ốc hương chết thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, theo người dân xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) và xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), nước từ các sông suối, đồng ruộng... chảy ra biển cũng đang khiến đầm Nha Phu thêm ô nhiễm. Những gia đình nào nuôi trồng hải sản gần khu vực có nguồn nước chảy từ trên thượng nguồn xuống đều bị chết. Vì thế, nhiều gia đình đành bỏ biển đi làm thuê chứ không dám nuôi trồng thủy sản.

Đầm Nha Phu hiện có khoảng 183 lưới đăng đáy.
Đầm Nha Phu hiện có khoảng 183 lưới đăng đáy.

Ông Trần Tài (trú thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Lâu nay, các hộ nuôi trồng thủy sản liên tục thất bát do hải sản nuôi bị chết. Vẹm xanh là loại dễ nuôi nhất nhưng sắp đến mùa thu hoạch cũng chết. Gia đình tôi nuôi mấy ngàn cọc vẹm, nếu vẹm sống hết sẽ cho thu hoạch hàng tỉ đồng, nhưng nay đang chết rất nhiều. Kiểu này, không biết có đủ tiền trả nợ ngân hàng hay không!”.

Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị nghiên cứu mức độ ô nhiễm ở đầm Nha Phu và cho kết quả chung là nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Sở Tài nguyên - Môi trường và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã xét nghiệm và kết luận nước trong đầm đang bị ô nhiễm. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có một thông số nào cụ thể và vẫn chưa có hướng khắc phục”. Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Ninh Hòa cũng trăn trở: “Đầm Nha Phu bị ô nhiễm đã quá rõ ràng, điều này cũng đã có sự nghiên cứu của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học sớm có những nghiên cứu nhằm đưa đầm Nha Phu thoát khỏi tình trạng ô nhiễm như hiện nay, để người dân có thể tiếp tục nuôi trồng hải sản”.

Từ thực trạng này cho thấy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xác minh các nguyên nhân để từ đó có những giải pháp hợp lý làm giảm mức độ ô nhiễm, bảo đảm phát triển bền vững tại đầm Nha Phu.

HẠ LINH