06:11, 03/11/2012

Cuộc sống thanh bình dưới chân Hòn Rắn

Thành lập từ trước ngày giải phóng, làng phong dưới chân núi Hòn Rắn ở thôn Xuân Lập (Cam Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa) là nơi tăng gia sản xuất của những bệnh nhân phong. Trải qua hàng chục năm, giờ đây, làng phong đã “thay da đổi thịt”…

Thành lập từ trước ngày giải phóng, làng phong dưới chân núi Hòn Rắn ở thôn Xuân Lập (Cam Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa) là nơi tăng gia sản xuất của những bệnh nhân phong. Trải qua hàng chục năm, giờ đây, làng phong đã “thay da đổi thịt”…

Làng phong xưa nay đã “thay da đổi thịt”
Làng phong xưa nay đã “thay da đổi thịt”

Làng phong ngày ấy...

Trước đây, khi y học còn hạn chế, bệnh phong là một trong “tứ chứng nan y” nên nhiều người rất sợ lây. Nghe thấy bệnh nhân phong là mọi người kinh sợ, xa lánh. Điều đó càng làm cho họ ngậm ngùi, mặc cảm. Các khu điều trị, khu sinh sống thường tách biệt với bên ngoài càng làm cho cuộc sống của bệnh nhân phong ảm đạm. Ông Lê Hùng Trinh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cam Tân cho biết: Trước năm 1975, chế độ cũ đã lập ra tại đây một khu biệt lập dành cho bệnh nhân phong. Người bệnh, sau khi chữa khỏi tại Bệnh viện Núi Sạn (Nha Trang), được đưa về đây sinh sống. Năm 1980, khu vực này thuộc thôn Xuân Lập, và hiện nay là tổ an ninh nhân dân số 28...

Ông Đoàn Hồng hiện là thôn phó năng nổ, tích cực.
Ông Đoàn Hồng hiện là thôn phó năng nổ, tích cực.

Ông Đoàn Hồng, trước đây là bệnh nhân phong, trò chuyện với chúng tôi: “Tôi quê ở Phú Yên. Năm 1958, khi tôi 14 tuổi, bỗng nhiên thấy tay chân mất cảm giác, bèn đi khám tại Bệnh viện Phong Nha Trang (lúc đó ở đèo Rù Rì - P.V) mới phát hiện mình bị phong. Điều trị 1 năm khỏi, tôi trở lại Phú Yên. Những năm trước giải phóng, chiến tranh, ly loạn, tôi trôi giạt nhiều nơi, làm nhiều nghề, rồi định cư ở Nha Trang. Tôi đã đưa gia đình cùng 6 người con về Cam Tân. Năm 1985, bệnh cũ tái phát, do thiếu thuốc thang, cuộc sống làm rẫy kham khổ, chân tay tôi bị tàn phế. Một lần nữa, tôi trở lại Núi Sạn điều trị dứt cho đến nay...”. Tuy khỏi hẳn, nhưng ông Hồng vẫn không quên cảm giác đau nhức mỗi khi căn bệnh hành hạ: “Đau nhức khủng khiếp, không kể ngày hay đêm; nếu thiếu thuốc, đau nhức càng dữ dội hơn. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn tự vẫn cho xong”. Tuy nhiên, nỗi đau do căn bệnh hành hạ còn cắn răng chịu đựng được, nhưng nỗi đau vì bị xã hội ghê sợ thì thật không thể chịu nổi. “Đi đâu, gặp ai cũng bị phỉ nhổ, lánh xa, khinh khi là thằng cùi, thật quá tủi nhục!”, ông Hồng buồn rầu nhớ lại.  

Cuộc sống hôm nay tuy đã khác xưa nhưng vợ chồng ông Nguyễn Hường, bà Dương Thị Chí (ngồi giữa) chưa quên những kỷ niệm đã qua.
Cuộc sống hôm nay tuy đã khác xưa nhưng vợ chồng ông Nguyễn Hường, bà Dương Thị Chí (ngồi giữa) chưa quên những kỷ niệm đã qua.

 Bà Mai Thị Thiệt, 82 tuổi, quê ở Ninh Thọ (Ninh Hòa), từng là bệnh nhân phong, có chồng (ông Trần Văn Phương) cũng là bệnh nhân phong vừa qua đời, cho biết, bà mắc bệnh phong năm 1964. 3 tháng điều trị tại Núi Sạn, bà hết bệnh, được về nhà. Nhưng những ngày làm rẫy ở Cam Tân, vấp phải gốc cây vào chân, tứa máu, vết thương cứ lở loét không lành, bàn chân bà tàn phế từ đó. Vợ chồng ông Nguyễn Hường và bà Dương Thị Chí cũng từng là những bệnh nhân phong. Ông Hường kể, năm 1945, ông bỗng bị phù mà không biết chữa chạy cách nào. Mãi đến năm 1957, khi bệnh chuyển nặng, ông mới đi khám và biết mình bị phong. Cố chữa đến năm 1960 - 1961, bệnh bớt, ông ra viện đạp xích lô, sau đó xin về Cam Tân. Bà Chí góp thêm với chồng: “Năm 1971, tôi bị tê ở mặt, chân tay, đi khám người ta nói bị phong. Dùng thuốc của bệnh viện một thời gian ngắn, thấy khỏe, bệnh hết. Năm 1972, tôi bị xương cá xóc vào chân đau nhức, bệnh cũ tái phát, phải điều trị tiếp”.

Cũng như ông Hồng, ông Hường đã phải chịu đựng những cơn đau nhức hành hạ vì bệnh phong, lại bị xã hội ghẻ lạnh, né tránh: “Mời nước, họ không dám uống, mời ăn, họ không dám ăn, thấy người phong ở đâu là phỉ nhổ, xa lánh. Thật đáng buồn!”, ông nói. Nỗi đau cả về thể xác và tinh thần khiến ông tuyệt vọng, 3 lần tìm đến cái chết, nhưng may đều được người nhà phát hiện kịp thời.

Bà Mai Thị Thiệt giờ tuổi cao, chỉ ở nhà chăm sóc cháu
Bà Mai Thị Thiệt giờ tuổi cao, chỉ ở nhà chăm sóc cháu

…đã lui vào dĩ vãng!

Làng phong hiện nay có hàng chục nóc nhà của những bệnh nhân phong và con cháu của họ đang sinh sống. Đến làng phong hôm nay, người ngoài không thể xác định được khu biệt lập dành cho bệnh nhân phong dưới chân núi Hòn Rắn năm nào, bởi nơi đây giờ đã trù phú, yên vui. Các thế hệ sau nhiều người đã lập gia đình, sinh con đẻ cái, chăm lo làm ăn.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - thôn trưởng thôn Xuân Lập cho biết, tổ 28 hiện có 38 hộ, 152 nhân khẩu, là khu vực dân cư phát triển cả về kinh tế, xã hội; có đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Việc chấp hành chủ trương, pháp luật của tổ 28 còn tốt hơn nhiều tổ khác. Là khu vực sản xuất gần đồi núi nên tổ 28 có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Cam Tân có 160ha diện tích mía thì làng phong đã chiếm 1/4; ngoài ra còn rất nhiều diện tích trồng xoài. Các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được người dân quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tổ được xã quan tâm với chính sách dành cho người khuyết tật. 4 năm trước, bệnh phong coi như được thanh toán dứt điểm ở đây. Những người trong làng bắt đầu thực hiện các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình và những chính sách xã hội khác...

Gia đình chị Thủy là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm

Gia đình chị Thủy là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm

Chị Trần Thị Lệ Thủy, một hộ nông dân sản xuất giỏi cho biết, cha mẹ hai bên của chị trước đây cũng mắc bệnh phong, nay đều đã mất, nhưng con cái sinh ra không ai mắc bệnh này, cuộc sống hiện rất ổn định và phát triển. Gia đình chị có 4 - 5ha mía, hàng chục gốc xoài; đã sắm được máy cày, xe tải; con cái học đại học; thu nhập mỗi năm không dưới 200 triệu đồng... Ông Hồng hiện là thôn phó năng nổ, tích cực, kinh tế gia đình vững vàng với 7.000m2 trồng mía và vườn cây ăn trái hơn 1.000m2. Các con của ông đều đã có gia đình, kinh tế ổn định. Bà Thiệt hiện sống với con trai sở hữu hơn 2,2ha mía, một năm, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Hường, bà Chí cũng được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng 270 ngàn đồng/người, đỡ đần phần nào cho cuộc sống cuối đời...

Bà Lê Phạm Thùy Ngân - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, so với nhiều xã khác, Cam Tân vừa có đồng bào dân tộc thiểu số, vừa có làng phong, do vậy, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xã quan tâm nhiều hơn đối với các đối tượng chính sách xã hội. Người làng phong trước đây, nay được giao đất sản xuất, cấp sổ đỏ..., hòa nhập hoàn toàn với bên ngoài. Người dân tổ 28 chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiều người là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhân tố tích cực của xã... Tổ có đường bê tông xuyên suốt từ đầu đến cuối xóm; điện, nước sạch đầy đủ, con em đang học tập tại các trường học trên địa bàn; bà con có ý thức phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự...

Tạm biệt làng phong khi nắng chiều đã tắt, đọng lại trong tôi chính là khung cảnh thanh bình của làng phong - nơi có những người đã vượt qua kỳ thị, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

HOÀI AN

Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Trạm Y tế xã Cam Tân: Bệnh nhân phong nay đã hòa nhập cộng đồng, sức khỏe ổn định. Hiện, Trạm quản lý 14 bệnh nhân, hầu hết là người già, không có bệnh nhân mới. Hàng tháng, cán bộ y tế tới nhà chăm sóc cho những bệnh nhân bị lỗ đáo, di chứng bệnh phong, tập luyện để họ hòa nhập cộng đồng...