11:11, 26/11/2012

Chung sức bảo tồn những loài cây quý hiếm

Hiện nay, tại khu vực bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều (thuộc TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) có một số loài cây bản địa quý hiếm đang đứng trước nguy cơ biến mất...

Hiện nay, tại khu vực bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều (thuộc TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) có một số loài cây bản địa quý hiếm đang đứng trước nguy cơ biến mất trong tự nhiên. Việc bảo tồn các loài cây này là điều hết sức cần thiết.

5 loài cây quý hiếm cần bảo tồn

Những năm trước, khu vực bán đảo Cam Ranh rất phong phú các loài cây như: Chai lá cong, táu mật, gõ biển, bình linh, tràm... kết hợp với các dạng cây bụi như: dứa dại, chổi xể, xương khô, muống biển tạo thành một hệ sinh thái ổn định; còn khu vực đầm Thủy Triều có diện tích rừng ngập mặn rộng hàng trăm héc-ta, với 19 loài cây ngập mặn. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều là nơi có đa dạng sinh học rất cao, nơi duy nhất của vùng duyên hải miền Trung có sự phân bố tập trung các loài cây bản địa quý hiếm. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng trái phép, sự phát triển mạnh của các ao đìa nuôi trồng thủy sản đã khiến cho nhiều loài cây quý hiếm tại khu vực này đang dần biến mất.


: Quần thể cây dầu Côn Đảo hiện còn rất ít tại tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm).
Quần thể cây dầu Côn Đảo hiện còn rất ít tại tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

 Kỹ sư Trần Giỏi - cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa cho biết: “Khu vực Cam Ranh là địa điểm chính được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đánh giá là vùng cảnh quan nguy cấp. Đây là một trong những khu vực còn sót lại một vài mảnh độc đáo của quần xã rừng khô ven biển. Khu vực này cần được ưu tiên trong hoạt động bảo tồn của vùng Trường Sơn mở rộng. Hiện nay, tại bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều có 5 loài cây bản địa quý hiếm cần được bảo tồn gồm: Chai lá cong (Shorea falcate), sao lá hình tim (Hopea cordata), gõ biển (Sindora maritima), dầu Côn Đảo (Dipterocarpus condorensis) và cây cóc đỏ (Lumnitzera littorea)”.

Theo ông Giỏi, cây chai lá cong và sao lá hình tim là 2 loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố chủ yếu tại bán đảo Cam Ranh, được xếp vào mức rất nguy cấp trong danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2012). 2 loài cây này có gỗ rất cứng, thường được dùng trong xây dựng và đóng thuyền. Do bị chặt phá nhiều nên những loài cây này hiện chỉ tìm thấy rải rác ở dạng cây chồi, thân gỗ nhỏ. Cây gõ biển phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, hiện đang được đề nghị xếp hạng ít nguy cấp theo danh lục đỏ thế giới. Hiện nay, tại khu vực này cũng chỉ còn 1.300 cây cóc đỏ và 30 cá thể cây dầu Côn Đảo (được xếp vào mức sẽ nguy cấp theo sách đỏ Việt Nam ).

Định hướng bảo tồn

Ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Việc bảo tồn các loài cây đặc hữu, quý hiếm tại khu vực bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều là hết sức cần thiết. Để bảo tồn những loài cây này, các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch nhân giống, trồng bảo tồn tại công viên công cộng ở KDL Bắc bán đảo Cam Ranh. Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh yêu cầu các nhà đầu tư dự án có biện pháp bảo vệ những nguồn gen quý trong khuôn viên dự án. UBND TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ các loài cây đặc hữu, quý hiếm tại địa phương.

Những loài cây quý hiếm tại khu vực bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều có tên trong sách đỏ là nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước, cần phải có giải pháp bảo tồn hiệu quả trước khi chúng bị biến mất trong tự nhiên. Vì vậy, UBND TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm và các ngành chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch bảo tồn những nguồn gen quý hiếm này.

Theo đề xuất của kỹ sư Trần Giỏi, có thể bảo tồn các loài cây bản địa, quý hiếm tại khu vực này theo 2 dạng. Do khu vực này có diện tích khá lớn, các cây lại không phân bố đồng nhất nên khoanh vùng ở một số điểm ít bị tác động của các dự án du lịch để bảo tồn tại chỗ hoặc có thể nhân giống, đem cây con trồng tại các công viên công cộng. Ngoài ra, nên tạo nguồn giống để cung cấp cho nhu cầu trồng rừng cảnh quan, trồng cây xanh công viên... Về lâu dài, cần thành lập một công viên sinh thái mới để có thể bảo vệ tốt các loài cây quý hiếm tại đây.   

Theo ông Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch (KDL) Bắc bán đảo Cam Ranh, việc bảo tồn các loài cây quý hiếm tại bán đảo Cam Ranh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo tồn các loài cây này tại những dự án du lịch rất khó khăn. Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh đã tiến hành vận động, chỉ định nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải bảo vệ các loài cây quý trong khuôn viên dự án, thế nhưng vẫn có nhà đầu tư không thực hiện. Ông Loan cho rằng: “Tại KDL Bắc bán đảo Cam Ranh có một số công viên công cộng diện tích khá rộng. Để bảo tồn nguồn gen các loài cây trên, cần tiến hành nhân giống, đưa đến trồng tại công viên công cộng”.

Đầu năm 2013, ngành Lâm nghiệp tỉnh sẽ tiến hành điều tra, khảo sát một số khu vực tại bán đảo Cam Ranh, đầm Thủy Triều nhằm đánh giá mức độ phân bố và hiện trạng phát triển; nghiên cứu đặc điểm, khả năng thích nghi của từng loài cây để có hướng bảo tồn thích hợp; tiến hành nhân giống 5 loại cây đặc hữu, quý hiếm này với số lượng khoảng 3.000 cây con để trồng tại các công viên công cộng trong khu vực bán đảo Cam Ranh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh sẽ làm việc với Vùng 4 Hải quân để có kế hoạch bảo vệ các loài cây trên trong khuôn viên Vùng 4 quản lý.

Hy vọng, với sự chung sức của các đơn vị, địa phương, những loài cây bản địa quý hiếm tại bán đảo Cam Ranh và đầm Thủy Triều sẽ được bảo vệ.

BÍCH LA