Từ chỗ là nơi cung cấp thông tin và học tập, hiện nay, hầu hết đại lý Internet chỉ phục vụ thanh thiếu niên chơi trực tuyến (game online) thâu đêm suốt sáng. Ma lực của không gian ảo đã đẩy không ít người trẻ đến nghiện ngập, phạm tội…
Từ chỗ là nơi cung cấp thông tin và học tập, hiện nay, hầu hết đại lý Internet chỉ phục vụ thanh thiếu niên chơi trực tuyến (game online) thâu đêm suốt sáng. Ma lực của không gian ảo đã đẩy không ít người trẻ đến nghiện ngập, phạm tội…
Tại đường Bắc Sơn (Nha Trang), lúc 1 giờ 29 ngày 29-10, một game thủ đang hóa thân vào nhân vật trong trò chơi Võ lâm truyền kỳ II. |
Ma lực từ không gian ảo
23 giờ, nhiều người đã chìm vào giấc ngủ say. Tuy nhiên, tại con phố nhỏ Nguyễn Đình Chiểu (Nha Trang), nhiều thanh niên, đa số là sinh viên, vẫn đi bộ, hoặc chạy xe nẹt pô ầm ĩ rồi nhanh chóng tấp vào một đại lý Internet ngang con dốc. Đây mới là “giờ vàng” để họ bắt đầu luyện game online đến sáng.
Một game thủ đang dõi theo “đối thủ” trong không gian ảo tại một tiệm Internet trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Nha Trang (ảnh chụp lúc 0 giờ 30 ngày 28-10). |
Dưới ánh sáng thiếu của chiếc đèn neon, tuy đã 23 giờ 30 nhưng tại đại lý Internet X. vẫn có khoảng 40 “con nghiện” tề tựu đông đủ. Vào vai game thủ, chúng tôi bước vào tiệm và ra hiệu cho 1 máy nhưng người thanh niên chủ quán vẫn tỏ ra nghi ngờ: “Anh chơi tới sáng (6 giờ) hay đến 2 giờ?”. “Đến 2 giờ” - chúng tôi đáp lại. “Chơi đến sáng hay tới 2 giờ, giá vẫn 15k (15.000 đồng - P.V) nha anh”, chủ quán ra giá. Sau khi được “ôm” một máy tính, chúng tôi cũng cố bắt nhịp cùng các game thủ. 24 giờ, quán không còn chỗ trống. Chủ quán bắt đầu dắt xe máy của khách vào trong quán, sau đó kéo cửa xuống để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Lúc này, các game thủ vẫn thoăn thoắt lướt tay trên bàn phím đã mờ ký tự, hoặc nhấp chuột trong những trò chơi bạo lực như: Kiếm thế, Đột kích hay Mỹ nhân đại chiến, Ỷ thiên... Quạt máy hòa với tiếng quạt tản nhiệt của máy tính kêu ù ù không khỏa lấp nổi sự ngột ngạt của phòng game đông đúc.
Ngồi cạnh tôi, sinh viên tên H. (quê tỉnh Thanh Hóa), hai tay “chạy” điêu luyện trên bàn phím mà không một giây liếc mắt nhìn xuống phím ký tự. Sau những lần “ngủ ngày cày đêm” đến quên ăn, quên uống vì game online, khuôn mặt H. đã hốc hác, da xanh xao chẳng khác gì từ “nghiện” mà người ta ám chỉ những người nghiện ma túy. Nghe chúng tôi tấm tắc khen H. đúng là game thủ thực thụ, H. vừa rít thuốc vừa nói: “Em nghiện game từ thời học phổ thông. Từ năm 2011, vào học chuyên nghiệp, vì gia đình không quản nên em càng có nhiều thời gian chơi game”. “Cày đến sáng, còn thời gian đâu học hành?” - tôi hỏi. H. thản nhiên: “Lỡ nghiện rồi anh ạ. Hơn nữa, thời gian này chưa phải kỳ thi nên em chơi đến sáng cũng đâu hề hấn gì!”.
Người, xe đông đúc đến ngột ngạt tại một tiệm Internet trên đường Nguyễn Đình Chiểu (ảnh chụp lúc 0 giờ 10 ngày 28-10). |
Ngồi cùng các game thủ mới 90 phút, nhưng sự ngột ngạt của phòng game đã khiến chúng tôi không thể tiếp tục. Hơn 1 giờ sáng, chủ quán đứng dậy mở cửa, dắt xe của tôi ra, không quên nhắc: “15k anh ạ!”.
Chúng tôi tiếp tục chạy xe đến đại lý Internet H.H trên đường Bắc Sơn (Nha Trang). Lúc này, dù đã gần 2 giờ sáng nhưng trước cửa tiệm H.H vẫn có gần chục chiếc xe máy của các game thủ đã được chủ quán cẩn thận dùng dây xích xích lại hòng phòng ngừa đạo chích “hỏi thăm”. Xét về quy mô thì H.H thua xa đại lý X. ở đường Nguyễn Đình Chiểu nhưng lại được trang bị màn hình phẳng 21inch, cùng với bộ vi xử lý thời thượng kết hợp với đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao. Vì thế, dù đã bước sang ngày đầu tuần được 2 giờ đồng hồ, nhưng H.H vẫn thu hút khoảng 20 game thủ “cày” game online. Đến 6 giờ sáng cùng ngày, một số game thủ mới đứng dậy ra về với cặp mắt thâm quầng, bước đi mệt mỏi…
Và hậu quả
Theo các nhà chuyên môn, game online ban đầu chỉ là một thú tiêu khiển, giết thời gian và giảm stress cho phần lớn thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành, nhưng nay đã trở thành một hiện tượng văn hóa tiêu cực. Tuy không thể phủ nhận những mặt tích cực của game online, nhưng bên cạnh đó, nó cũng tác động khó lường đến người chơi, khiến họ không ngần ngại dồn tiền bạc và sức lực vào các trò chơi vô bổ, thậm chí phạm tội để có tiền chơi game online.
Toán cướp nghiện game online bị Công an thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) triệt xóa, bắt giữ. |
Ngày 28-9 vừa qua, sau khi kết thúc thắng lợi chuyên án 912C, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ninh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 trong số 5 đối tượng đã gây ra liên tiếp các vụ dùng hung khí, khống chế, tấn công người đi đường để cướp tài sản trên Quốc lộ 26B. Tuy đã đấu tranh, triệt xóa tận gốc toán cướp nhưng điều mà các cán bộ, chiến sĩ trong ban chuyên án vẫn canh cánh trong lòng là nỗi lo tội phạm trên địa bàn đang dần trẻ hóa, và các đối tượng hiện nay không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để gây án. Trong toán cướp nêu trên, ngoài đối tượng cầm đầu là Lê Văn Ninh (17 tuổi, trú xã Ninh Thọ) đã bỏ học, còn có 4 đồng phạm khác đều nghiện game online. Theo các điều tra viên, khi bị bắt, 2 trong số 4 đàn em của Ninh là Nguyễn Thanh Phương (16 tuổi, học viên Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa) và Nguyễn Hoài Phương (học sinh lớp 9 một Trường trung học cơ sở ở thị xã Ninh Hòa) đã khai nhận chỉ vì không có tiền chơi game online nên đã cả gan cùng Ninh sử dụng hung khí đi cướp tài sản mỗi khi màn đêm buông xuống, gây hoang mang trong dư luận. Do Nguyễn Hoài Phương chưa đủ 14 tuổi nên Cơ quan điều tra đã cho tại ngoại. Đại úy Nguyễn Sỹ - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thị xã Ninh Hòa cho biết, khi tống đạt các quyết định bắt tạm giam, phụ huynh của những tên cướp mặt còn búng ra sữa không thể tưởng tượng nổi con mình lại có thể cầm dao, mã tấu đi khống chế người đi đường đáng tuổi cha, chú mình hòng cướp tài sản, bán lấy tiền chơi game online. Phân tích nguyên nhân sâu xa có thể thấy, đó chính là hậu quả tất yếu của sự buông lỏng quản lý trong gia đình. Thượng tá Trần Hữu Tượng - Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa khẳng định, hiện nay, tình hình tội phạm không chỉ tập trung vào những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự hay nghiện ngập ma túy, mà một đứa trẻ nghiện chơi game online cũng có thể phạm tội. Vụ xóa sổ toán cướp gây án trên Quốc lộ 26B đã phần nào lý giải sự gia tăng của tội phạm nói chung trên địa bàn.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9-2012, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Nha Trang cũng đã triệt xóa một toán cướp giật gồm 6 đối tượng còn rất trẻ (độ tuổi từ 15 - 20). Tại cơ quan điều tra, toán cướp này gồm Nguyễn Thành Tuấn (19 tuổi), Nguyễn Xuân Duy (17 tuổi), Lê Hữu Trung (17 tuổi), Nguyễn Gia Huy (15 tuổi), Cao Thành Phong Anh (17 tuổi) và Võ Thành Đạt (20 tuổi), cùng trú ở Nha Trang đều khai nhận do không có tiền để chơi game online nên đã rủ nhau đi cướp giật chiếc điện thoại di động của chị Trần Thụy Minh Hạ (trú phường Phước Hòa, Nha Trang) vào tối 5-9. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang, cũng chỉ vì ma lực của game online, 6 đối tượng trên đã không thể học hết cấp trung học cơ sở.
Theo Công an tỉnh, đây chỉ là 2 trong nhiều vụ án liên quan đến đối tượng phạm tội ở tuổi thanh thiếu niên vì nghiện game online đã xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Toàn xã hội cùng phối hợp
Theo Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh Huyền (Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang), tình trạng giới trẻ phạm pháp để có tiền chơi game online ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng thực sự là vấn đề cần quan tâm đối với các nhà giáo dục. Không ai có thể phủ nhận tính tích cực và vai trò quan trọng của Internet trong quá trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thành tựu của công nghệ này cũng đã nảy sinh những vấn đề phức tạp, trong đó có nghiện game online - căn bệnh mới của xã hội hiện đại.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, đối tượng của Internet có một bộ phận không nhỏ ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Ngày nay, thời gian mà giới trẻ dành cho Internet đang gây tâm lý lo sợ cho các bậc phụ huynh. Mục đích lên mạng của trẻ là chat trực tuyến, gửi e-mail, chơi game online... Các báo cáo lâm sàng về những trường hợp sử dụng Internet quá mức cũng tăng nhanh. Với một bộ phận lớn giới trẻ, công nghệ Internet đã không được khai thác ở khía cạnh tích cực, mà ngược lại. Nếu những người trẻ tuổi không được quan tâm đúng cách, không được giám sát thường xuyên, chặt chẽ thì nguy cơ này là rất cao... Trước khi dẫn đến phạm pháp, việc nghiện game online cũng đã gây ra không ít hậu quả tinh thần cho những người trẻ tuổi mắc căn bệnh này. Quan trọng là chúng ta cần biết cách ngăn ngừa, đề phòng bằng cách phối hợp cả 3 lực lượng giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó, gia đình giữ vai trò chủ động. Gia đình cần chủ động nâng cao kỹ năng xã hội, định hướng hành vi cho các em, ngăn ngừa các nguyên nhân gây cảm xúc buồn chán hay sự bất hòa, ly tán, thiếu định hướng giáo dục giá trị sống. Nhà trường và xã hội cần đặc biệt chú ý tổ chức các hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên.
Muốn game online chỉ đơn thuần để giải trí, không nên chỉ phó thác trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, mà từng gia đình, từng cá nhân cũng phải nỗ lực cùng xã hội đẩy lùi khía cạnh tiêu cực của nó.
THÀNH LONG