02:09, 05/09/2012

Đỏ lửa trở lại

 

Những năm trước đây, người dân ở Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) không thể sống bằng nghề đúc đồng nên làng chỉ còn vài hộ theo nghề. Giờ đây, làng nghề đang đỏ lửa trở lại.

 

Những năm trước đây, người dân ở Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) không thể sống bằng nghề đúc đồng nên làng chỉ còn vài hộ theo nghề. Giờ đây, làng nghề đang đỏ lửa trở lại.

Một thời khó khăn

Cách đây 2 năm, nhiều lò đúc đồng ở Phú Lộc Tây không còn nổi lửa. Nền kinh tế thị trường phát triển, các cơ sở đúc đồng chưa kịp đổi mới; vì vậy, nghề đúc đối diện với nguy cơ bị mai một. Ông Nguyễn Văn Nhường - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đúc Phú Lộc, người đã hơn 40 năm gắn bó với nghề đúc đồng kể: “Trước năm 2000, ở Phú Lộc Tây có 60 hộ theo nghề. Giai đoạn 2004 - 2010, hoạt động của làng nghề ngày càng khó khăn, chỉ còn 5 - 6 hộ hoạt động cầm chừng. Người dân trong làng đã chuyển nghề hoặc đi làm thuê ở những địa phương khác để kiếm kế mưu sinh”.

 Một lò đúc của Hợp tác xã Đúc Phú Lộc đã nổi lửa trở lại.
Một lò đúc của Hợp tác xã Đúc Phú Lộc đã nổi lửa trở lại.

Nghề đúc đồng truyền thống ở Phú Lộc Tây gặp khó khăn là do giá phế liệu đồng, chất đốt tăng cao; trong khi đó, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm. Ông Trần Minh Thương - chủ một xưởng đúc cho biết: “Những năm trước, giá đồng nguyên liệu có thời điểm lên đến 140 nghìn đồng/kg, cộng với chi phí chất đốt, nhân công cũng tăng hơn 30%. Vì vậy, giá thành sản phẩm cũng buộc phải tăng nên rất khó cạnh tranh với những vật dụng thờ cúng khác được làm bằng sành sứ, nhựa, gỗ mỹ nghệ...”.

Trước nguy cơ bị mai một, nhiều cơ sở đã sản xuất kết hợp với du lịch. Tuy nhiên, hướng đi này cũng không mang lại hiệu quả. Được biết, các cơ sở du lịch tại TP. Nha Trang đã đến khảo sát, đặt vấn đề đưa khách du lịch đến tham quan, tuy nhiên người dân làng nghề hoàn toàn không có thêm thu nhập gì từ hoạt động này. Không ít lần, các xưởng đúc tiếp những đoàn khách du lịch hơn 40 người, nhưng chẳng thấy ai đề cập đến chuyện làm ăn lâu dài nên cũng dần bỏ ngỏ, không còn mặn mà.

Những tín hiệu vui

Không như những năm trước, bây giờ đến Phú Lộc Tây, nhiều lò đúc đã nổi lửa trở lại. Lý giải về sự hồi sinh của làng nghề, ông Nguyễn Văn Nhường phân tích: “Hiện nay, giá đồng phế liệu chỉ còn 90 nghìn đồng/kg, giảm hơn 30% so với trước. Đầu vào hạ, giá thành sản phẩm cũng giảm theo. Cụ thể: Một bộ đồ thờ cúng gồm: chân đèn, lư hương, cổ bồng, bình hoa có giá từ 1,5 đến 3,2 triệu đồng/bộ (tùy theo kích cỡ). Vì vậy, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, nhiều cơ sở còn nhận đúc thêm các chi tiết như: đầu nối cơ bi-da, các loại bạc đồng trong sản phẩm cơ khí... Nhờ vậy, hoạt động làng nghề khá ổn định”. Hiện nay, ở Phú Lộc Tây đã có 40 hộ quay lại với nghề đúc đồng. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở đúc tại Phú Lộc Tây cho ra đời khoảng 300 bộ đồ đồng phục vụ việc thờ cúng. Ngoài ra, các cơ sở còn đúc hàng chục nghìn chi tiết bằng đồng khác theo hợp đồng với các doanh nghiệp.

1
Nghệ nhân Biện Ngọc Truyền bên các sản phẩm chính của làng nghề.

Thị trường tiêu thụ sôi động, nhiều nghệ nhân lại có dịp phát huy tinh hoa của làng. Anh Biện Ngọc Truyền chia sẻ: “Không chỉ gìn giữ những tinh hoa của lớp nghệ nhân đi trước, chúng tôi còn áp dụng phương pháp mới trong sản xuất như: dùng dầu thay than trong việc nấu đồng, xây lò nấu đồng và tạo vỏ khuôn, áp dụng nhiều loại máy móc trong việc làm nguội... Qua đó đã tạo ra các sản phẩm sắc sảo, được nhiều người đánh giá cao”. Hiện nay, dưới bàn tay của anh, những sản phẩm đồng được sản xuất tinh xảo, vì thế không ít người đã tìm đến nhà anh để đặt hàng. Ngoài anh Truyền, ở Phú Lộc Tây còn có nhiều nghệ nhân trẻ khác đang làm hồi sinh làng nghề.

Hiện nay, nhiều cơ sở đúc ở Phú Lộc Tây đang tất bật chuẩn bị khuôn, thu mua đồng phế liệu để đến tháng 10 tới bắt tay vào đúc các sản phẩm bán Tết. Dự kiến, các cơ sở sẽ cho ra đời khoảng 1.000 bộ sản phẩm. Điều đáng mừng, các sản phẩm này đã được thương lái các tỉnh như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định... đặt hàng.

Làng nghề đang đỏ lửa trở lại, tuy nhiên vẫn còn mang tính tự phát. Hiện nay, các cơ sở đúc đồng đang rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng để có mặt bằng sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường.

BÍCH LA

Ông Lê Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Trong kế hoạch khuyến công năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở đúc đồng tại Phú Lộc Tây sản xuất các sản phẩm biểu trưng của Khánh Hòa nhằm phục vụ du lịch. Bên cạnh đó còn tổ chức hội thảo giữa các đơn vị du lịch và làng nghề nhằm tìm ra giải pháp để phát triển làng nghề gắn với du lịch”.