19:43, 03/09/2024

Cây rơm tuổi thơ

HỒ ANH MÃO

Mỗi dịp về quê, tôi có thói quen mang theo chiếc máy ảnh cũ để ghi lại những khoảnh khắc bình yên, vẻ đẹp nguyên sơ của nếp sống thuần nông trong ngôi làng nhỏ, nơi vẫn còn lưu giữ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Đã bao đời nay, cuộc sống người dân trong ngôi làng ấy nương nhờ hạt lúa, củ khoai trên mảnh đất cằn cha ông để lại. Gần chục năm trở lại đây, quê tôi rộ lên phong trào thanh niên đi xuất khẩu lao động khiến cho ngôi làng thay da, đổi thịt từng ngày. Những con đường đất được thay bằng đường bê tông sạch bong, những ngôi nhà ngói đơn sơ bị đập bỏ, xây lại theo phong cách mới, kiểu mái Thái kiên cố như một trào lưu. Mỗi chiều, nam thanh nữ tú chở nhau trên những chiếc xe máy láng cóng, phóng như bay tới các quán karaoke làng bên vui chơi, để lại hương nước hoa thoang thoảng nhưng vẫn chưa thể xóa hết mùi bùn đất, mùi đồng ruộng lam lũ hằng ngày.  

Những chuyến đi nước ngoài của thanh niên làng trở về khiến cho cuộc sống vật chất, tinh thần người dân quê tôi thay đổi chóng mặt theo hướng tích cực. Thế nhưng nó cũng làm nhạt đi nét đẹp nguyên sơ, mượt mà vốn có của cây đa, bến nước, sân đình. Hình ảnh các mẹ, các chị tất tả quang gánh ra đồng mỗi sáng, chiều về còn tranh thủ mang theo những gánh rơm khô, hàng nối hàng sóng bước dọc bờ đê, bóng dáng nghiêng nghiêng trong nắng chiều trông xa như một tác phẩm nghệ thuật giữa mênh mông đồng ruộng, giờ gần như không còn nữa. Sức kéo trâu, bò được giải phóng nên người ta chẳng cần dự trữ rơm, rạ để làm thức ăn cho đàn trâu, bò mỗi khi đông về. Vì vậy, đi tìm cây rơm, cây rạ giờ đây quả thực khó vô cùng. Bước chân ra khỏi cổng làng, ruộng đồng vẫn vậy, mướt mắt một màu xanh của lúa. Vậy mà hình ảnh cây rơm trong làng hầu như biến mất. Tôi mải miết đi tìm chỉ để ghi lại cảnh bọn trẻ nô đùa quanh cây rơm hay con trâu nằm lim dim dưới bóng râm bên cây rơm vàng ươm trong mỗi buổi chiều tà. Điều tưởng chừng đơn giản nhưng thật không dễ kiếm. Trước kia, khung cảnh này rất đỗi bình thường nhưng việc sở hữu một chiếc máy ảnh là thứ quá xa xỉ. Giờ đây, máy ảnh hay điện thoại thông minh là vật bất ly thân thì hình ảnh cây rơm trong mỗi gia đình lại trở thành của hiếm.

Còn nhớ câu chuyện ngày xưa, cứ đến mùa gặt, cánh đồng làng tôi lại đông như trẩy hội. Cây lúa được người dân tận dụng từ gốc đến ngọn. Ngoài hạt lúa - nguồn sống quý giá cho mỗi gia đình thì phần còn lại của cây lúa cũng được chở về hết, phơi đầy cả khoảng sân rộng trước nhà. Khi hạt lúa đã khô, người ta cẩn thận đưa vào các khạp để dự trữ thì số rơm còn lại cũng được xử lý hoàn hảo. Chỉ cần một chiếc cọc gỗ dài hoặc thân cây tre đằng ngà cao vút, cắm xuống chắc chắn ở góc vườn, rơm bắt đầu xây lên xung quanh chiếc cọc gỗ ấy. Việc xây rơm không nặng nhọc nên bọn trẻ chúng tôi cũng được huy động. Khi cây rơm cao dần, một chiếc thang nhỏ bắc lên, vài ba đứa trẻ leo lên, vừa bám cọc tre, vừa đi vòng tròn, rơm cứ vậy lần lượt được nén chặt. Khi rơm cao gần tới mút cọc thì việc xây rơm kết thúc. Để tránh nước mưa đổ xuống, ngấm vào làm mục cọc, người ta đội cho nó một cái mũ rơm trên đỉnh, hoặc buộc vài lá cọ thật chặt phía trên cùng, có nhà cẩn thận còn trùm cả tấm ni-lông lên trên rồi buộc lại. Vậy là xong. Cây rơm qua mấy tháng dầm mưa dãi nắng, lớp bên ngoài ngả màu mốc thếch nhưng bên trong vẫn một màu vàng ươm. Khi cỏ ngoài đồng không còn thì thức ăn chính của trâu, bò trong làng là rơm. Rơm được rút dần từ phía chân cột, tạo thành những cái hõm, sau khi rút hết một vòng thì sức nặng của cây rơm phía trên khiến nó sụp xuống. Cứ như vậy, người ta rút dần cho đến khi chỉ còn trơ ra chiếc cột. Và thường đến lúc ấy, mùa đông đã đi qua, cỏ cây bắt đầu mọc lại để đàn trâu, bò tha hồ ra đồng thưởng thức. Thú vị nhất vẫn là cảnh bọn trẻ chúng tôi vui đùa, chơi trò trốn tìm quanh cây rơm vào những đêm hè trăng thanh, gió mát; bện bùi nhùi rơm giữ lửa, sưởi ấm khi chăn trâu, chăn bò giữa trời đông rét mướt. Mùi rơm rạ quyện vào trong ký ức tuổi thơ, để đến tận bây giờ, dù có bôn ba khắp nẻo nhưng vẫn không thể nào quên được.

HỒ ANH MÃO