Không biết có phải cảm hứng từ dòng văn dạt dào cảm xúc của nhà thơ Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học” mà mùa tựu trường chúng ta đều nhớ đến mẹ. Chính bàn tay, nụ cười, giọng nói của mẹ đã sưởi ấm tâm hồn tuổi thơ…
Có lẽ thời của nhà thơ Thanh Tịnh gần thế kỷ trước, trường học tuổi thơ đầu tiên đến trường học chữ vỡ lòng chỉ là mái nhà tranh nhỏ ở cuối làng bên lũy tre xanh hay dưới gốc đa tỏa mát. Nơi đó có ông đồ già đi đôi guốc mộc, đầu đội khăn, mặc áo chéo ngồi trên chõng tre giảng bài. Gặp được thầy, từ mẹ đến con đều hiểu từ đây dưới tình thương, trách nhiệm của thầy đồ, chữ thánh hiền sẽ soi sáng tâm hồn đứa trẻ vốn đã ngây thơ từ ngày mẹ sinh.
Tiến tới khi đời sống văn minh, lớp học thầy đồ xưa không còn, thay vào đó là mái trường vài gian lợp lá nhưng đúng nghĩa là điểm học tập cho nhiều bạn nhỏ. Ngày khai trường chỉ là lệ vào dịp cuối thu thanh mát. Bọn trẻ được mẹ đưa đến trường ngày đầu tiên đi học. Và chỉ một lần đó vì mẹ đưa con đến trường gặp thầy cô như giao đứa trẻ yêu thương của mình cho bậc hiền sĩ đón nhận. Thầy cô giáo ngày đó có thể ngày hè còn lội ruộng cấy lúa, làm cỏ, trồng hoa màu, nhưng nay đã chỉnh trang đứng trên lớp làm thầy và được tất cả kính trọng với lễ nghĩa cao cả nhất dành cho mình.
Mẹ đưa con đến trường ngày đầu tiên vì sao lưu luyến thế, dào dạt thế? Bởi để đưa con đến trường, người mẹ ngày xưa và cả ngày nay dành tất cả yêu thương để cho con trọn vẹn yên tâm đến lớp. Dù đơn sơ chỉ cái túi nhỏ, cái cặp xinh, đôi dép, giày mới, tấm áo thơm mùi vải… chính là tâm hồn từ mẹ lan tỏa làm con yên tâm, háo hức và hy vọng.
Nếu như mọi đứa trẻ hôm nay được cha mẹ đưa đến trường quanh năm bằng xe ô tô, xe máy thì tuổi thơ của tôi ngày xưa đều đi bộ, nhiều bà mẹ cũng không có xe đạp để chở con mà đều lũn cũn dắt con đi trên những con đường nhỏ ở làng, ở phố… Không chỉ có hai mẹ con mà rất nhiều bà mẹ đều như thế! Mẹ đến để giao niềm hy vọng của mình là đứa con và tạ ơn thầy cô đã nhận dạy dỗ, vì thế thật xúc động, linh thiêng. Tôi vẫn nhớ ngôi trường nhỏ mình đến học lớp vỡ lòng nằm trên phố nhỏ, để đến đó, mẹ dắt tôi vượt con dốc dài đầy bụi than vì khu tôi ở là vùng mỏ than. Ngày đó chưa có cặp sách, chỉ là cái túi vải nhỏ bên trong đựng 2 xấp giấy kẻ ngang còn dính lác đác những vỏ thóc vàng. Để có cuốn vở học, bố mẹ tôi phải hì hục chia nhỏ lấy chỉ khâu gáy, dùng tờ giấy báo làm bìa vở. Rồi mẹ mua ở bà hàng xén túi bột mực tím về pha vào lọ, bút là cây bút lá tre và cây bút chì nhỏ cùng cục tẩy, sách giáo khoa sau ngày khai giảng trường sẽ cấp! Tiết trời thu se lạnh, mẹ thay đôi dép nhựa bằng đôi giày vải xanh và chiếc mũ cát nhỏ. Nếu như ngày nay, đầu năm học cha mẹ rất tốn tiền lo cho con thì ngày xưa việc trẻ đến trường rất hồn nhiên vì đều được Nhà nước chu cấp. Học xong thì về nhà ăn cơm, không có bán trú. Vì thế tất cả đều trong veo cảm xúc, tâm hồn như trời thu trên cao.
Mẹ đưa con đến trường lần đầu và duy nhất trong đời học sinh thời gian khó, còn tất cả như cánh chim phải tự lực để bay với bầu trời của mình, vì thế trong tâm hồn, trái tim đứa trẻ ngày đó và có thể hôm nay kỷ niệm đó sẽ thành mãi mãi.
DƯƠNG MY ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin