20:30, 23/07/2024

Hoài niệm một thời dọc đường chinh chiến 

CHẾ DIỄM TRÂM

Dọc đường chinh chiến là cuốn sách của tác giả Trầm Lợi Mến do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào tháng 7-2024. Với tác giả và đồng đội của ông, đây là một dấu ấn kỷ niệm đời lính và để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. 

Tác giả Trầm Lợi Mến sinh năm 1958, quê ở huyện Ninh Hòa, hiện nay sinh sống tại TP. Nha Trang. Ông nhập ngũ năm 1976, xuất ngũ năm 1981, là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 93, Sư đoàn 2, Quân khu V. Ông là người lính tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia; từng tham gia nhiều trận đánh khốc liệt ở Svay Riêng, Krachê, Prết Vihia, Mondulkiri, Kampông Thom…

Trong lời mở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Mến là một người lính. Không phải nhà văn, nhà thơ. Chỉ viết để xoa dịu tâm trạng mình trong cuộc chiến tranh trên đất nước Campuchia […] Áp lực trực tiếp của cái chết luôn dồn ép nỗi lòng. Sau mỗi ngày còn được sống, lại ghi vắn tắt những diễn biến dọc đường trong sổ tay bỏ túi, để lúc dừng quân hoặc đóng quân mới tỉ mỉ chép lại thành bài tùy theo dòng cảm xúc để thành văn hay thơ vào một quyển sổ riêng làm kỷ niệm”.

Toàn bộ cuốn sách hơn 250 trang bao gồm lời mở đầu, 46 trang nhật ký mà tác giả gọi là trang văn, 40 bài thơ, 14 bức ký họa, 3 bản nhạc. Tất cả cho thấy tác giả là một người đa tài, tâm hồn phong phú. Có lẽ đó là động lực để tác giả vượt lên trên sự khốc liệt của chiến tranh để có những phác thảo đầy chất thơ, chất họa, chất nhạc - nguồn tư liệu quý giá để hơn 4 thập niên sau hình thành nên tập sách Dọc đường chinh chiến hấp dẫn từng dòng, từng trang.

Hiện thực cuộc chiến giải phóng đất nước Campuchia đã lùi xa đã gần nửa thế kỷ nhưng qua hồi ức của người lính trực tiếp tham gia chiến đấu đã hiện lên chân thực trên từng trang sách, có ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Tác giả ghi chép lại khá tỉ mỉ và trang trọng từ ngày tạm biệt gia đình, tạm biệt Tây Nguyên, di chuyển đến căn cứ Long Bình rồi đặt chân đến biên giới Việt Nam - Campuchia, trải qua 5 năm gian khổ, nguy hiểm trên nước bạn dưới chế độ diệt chủng Pôl Pốt - Iêng Xary. Tập sách khép lại khi tác giả xuất ngũ, trở về quê hương Ninh Hòa, gặp lại người mẹ già mong con khắc khoải từng đêm. 

Biết bao gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, nhất là cái chết luôn gần kề nhưng càng lúc người lính càng kiên cường. Đạn pháo như vãi trên đầu, trên lưng, dưới chân là mìn sát thương, đường hành quân trong đêm ngập bùn, máu trộn lẫn trong bùn, nắm cơm vắt cũng thấm máu đồng đội. Rồi đói, khát, nắng cháy thiêu đốt, mưa dầm miên man, bệnh ghẻ lở, sốt rét… Không còn thiếu gian truân, thử thách nào mà người lính Trầm Lợi Mến và đồng đội chưa nếm trải. Thế nhưng, Dọc đường chinh chiến vẫn đậm cảm hứng hào hùng về hình tượng người lính tình nguyện Việt Nam. Đối diện với gian khổ họ luôn mạnh mẽ; trước cái chết, họ chấp nhận hy sinh. 

Tập sách Dọc đường chinh chiến là một tập ký giá trị bởi tính chân thực từ sự kiện, nhân vật đến chi tiết. Bên cạnh những trang nhật ký, ghi chép rất chân thực và sinh động, bằng tài năng, tác giả còn có 14 bức ký họa khá sắc sảo, những nét vẽ khái quát lên sự khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ hòa bình trên đất nước Campuchia. Điều đáng quý nhất là cuốn sách đã chuyển tải được vẻ đẹp tâm hồn của người lính tình nguyện Việt Nam ở cả sự can trường lẫn thế giới tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ. Đó là tình yêu đất nước, quê hương, gia đình, tình đồng đội; là tình người, dù là lính Pôl Pốt đã tử trận; là những cảm xúc trước vẻ đẹp của bầu trời, đám mây, hoa ngù vàng, hoa cúc trắng… Cùng với đó là 40 bài thơ (Chiều biên giới, Đêm tiền tiêu, Trận đánh giữa vòng vây, Đường chiến dịch, Rừng mưa, Tổ quốc ngày về...) toát lên vẻ đẹp tâm hồn nhạy cảm, giàu bản lĩnh, giàu yêu thương của người lính Việt Nam; hay những câu chuyện trong Chuyện bên đường (Cái mông quần, Ăn theo, Th’nốt Chu, Hớt tóc) với những nét dí dỏm, hài hước vừa làm cân bằng lại tâm trạng căng thẳng vì hiện thực tàn khốc của chiến tranh, vừa góp phần khắc họa hình ảnh những người lính trẻ thiếu đủ thứ nhưng nụ cười vẫn nở trên môi.

Tác giả Trầm Lợi Mến tự nhận: “Có nhiều điều chưa viết được bởi mình quá nhỏ giữa chiến trường rộng lớn. Kiến thức của người lính trẻ chưa đủ tầm để nhìn tổng quát cuộc chiến tranh qua những cuộc hành quân đánh trận hay điều binh chiến dịch như một cấp chỉ huy”, nhưng tập ký Dọc đường chinh chiến vẫn mang nhiều màu sắc sử thi...

CHẾ DIỄM TRÂM