22:47, 25/06/2024

Thời gian trên giá sách

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Mỗi khi ghé thăm nhà một ai đó, thay vì ngắm nhìn bộ salon bằng gỗ quý hay những chiếc bình gốm sứ đắt tiền, tôi hỏi thăm về giá sách. Thật ra nhiều nhà không có giá sách bởi đó không phải là thú vui của họ, hay đam mê đã nhường chỗ cho những thứ khác.

Ở những giá sách, có thể thấy tình yêu của chủ nhân, sự trân quý của người đọc, chỉ khác nhau ở chỗ mỗi người chọn cho mình một mảng sách riêng, trân quý những cuốn sách ấy, mặc cho thời gian trôi qua và tác giả của cuốn sách đã rời bỏ cuộc sống này từ lâu.

Ảnh: G.C
Ảnh: G.C

Thuở nhà văn Võ Hồng còn sống, tôi vẫn hay ghé nhà ông trên đường Hồng Bàng, gọi ông bằng cách kéo dây cho những chiếc vỏ lon chạm vào nhau. Căn phòng ông ở tầng trên, bao quanh là sách, ông còn có nguyên một căn phòng bên cạnh lưu giữ những cuốn sách rất cũ, kệ thời gian trôi qua.

Trên con đường từ TP. Nha Trang lên Thành (huyện Diên Khánh), giữa đường có một địa danh là Bình Cang, nơi nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban sinh sống. Với biết bao nhiêu đầu sách nghiên cứu, cuốn nào cũng vài trăm trang, ông có một tài sản văn chương rất quý. Nhưng thế giới sách của ông lại vô cùng tận, sách để trong tủ kính, trong thùng và chất bên cạnh bàn. Ông còn có nhiều tư liệu quý về các nhà văn, về địa lý và cả lịch sử, trong đó có thể kể đến những bài báo và tư liệu về nhà văn Võ Hồng.

Ở đường Yersin (Nha Trang) có ngôi nhà của cố nhà thơ Giang Nam. Thuở sinh thời, nhà ông trở thành nơi để bạn văn trong và ngoài tỉnh thăm viếng. Không có gì ngạc nhiên khi nhà ông có rất nhiều sách, rất nhiều cuốn sách quý, đặc biệt là sách có chữ ký tặng của tác giả trong mấy chục năm. Nhà thơ Giang Nam xếp sách rất thứ tự, ông kiếm dễ dàng một cuốn sách mình cần.

Một lần ghé nhà ông Đống Lương Sơn - Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ Yersin Khánh Hòa, ông có một gian phòng riêng để những vật kỷ niệm về bác sĩ Yersin. Và ở một nơi trang trọng, có hàng trăm cuốn sách với nhiều ngôn ngữ khác nhau viết về bác sĩ Yersin.

Tại Bảo tàng cà phê ở Buôn Ma Thuột, ngoài việc tham quan các vật dụng pha chế, thưởng thức cà phê, tại đây có một phòng sách với những cuốn sách được trưng bày rất đẹp, đây cũng là một điểm đến hiếm hoi có cả một không gian sách.

Vào những năm trước 1975, những nhà xuất bản chỉ in sách do họ chọn lựa, tác giả không thể tự in, nên những cuốn sách thường có ấn bản cao. Những nhà sách cũ luôn được chọn tìm đến, vì có những cuốn rất hiếm hoi. Khi đi Sài Gòn, tôi thường đến khu sách cũ ở đường Lê Lợi, nơi đây có rất nhiều quầy sách bán từ các tạp chí trong và ngoài nước đến những cuốn sách hiếm, có cuốn có cả thủ bút của tác giả. Hồi đó, có khi sách cũ bày bán ở lề đường hay công viên. Từ đó tôi đã mua được cuốn thơ Du Tử Lê, thơ Nguyên Sa và các ấn bản tạp chí Văn mà đến nay tuổi đời của chúng đã gần 70 tuổi.

Nhớ vào thời đó, Nha Trang cũng có rất nhiều “hiệu sách” ven đường, bày bán nhiều cuốn sách hiếm. Dĩ nhiên là sách cũ nhưng giá không rẻ, vì là sách quý. Trên đường Lê Lợi có hiệu sách Bình Dân do ông Hồ Nhã Tránh làm chủ. Đây là một tiệm sách cũ đầy sức hấp dẫn. Hồi đó, tôi hay mua những cuốn tạp chí đã được đóng tập, đem về đọc say mê.

Trong nhà tôi có một giá sách, có những cuốn sách theo thời gian đã có tuổi, có những cuốn sách đã “già” theo chủ. Đó là bộ sách “Những người khốn khổ”, “Kim Bình Mai” hoặc những cuốn về nghiên cứu văn học, tổng tập của các nhà văn, nhà thơ… Đó không phải là những cuốn sách đẹp, vì sách in của thời đó bằng loại giấy vàng, chữ nhỏ, nay khó khăn lắm mới đọc được. Ở một tủ nhỏ là những cuốn báo được đóng tập như: Áo Trắng, Mực Tím, Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, Tuổi Trẻ Chủ nhật, Điện ảnh… Các tạp chí đóng tập nâng giá trị hơn và rất quý. Hồi đó các nhà sách cho mua lẻ, tỷ dụ như cuốn "Những người khốn khổ” gồm 4 tập, tôi mua 4 lần vì không đủ tiền để mua một lúc.

Bây giờ nhiều cuốn sách được tái bản, in đẹp, nhưng sách bây giờ chỉ còn một góc nhỏ trong các nhà sách. Để mua sách là dịp vào TP. Hồ Chí Minh ghé đường sách, hoặc vào các hội chợ sách, mua và luôn cảm xúc vì có thêm một cuốn sách trong giá sách của mình.

Có những tác giả của những cuốn sách tôi từng gặp, họ đã về cõi vĩnh hằng. Có những cuốn sách mua về tôi vẫn chưa đọc hết. Và những ngày nắng đẹp, đem sách ra phơi để sách reo vui. Những cuốn sách đó là thời gian.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG