Ngày xưa, để phân định ranh giới, người dân quê thường chọn các loại cây để làm hàng rào. Thường thì người dân chọn cây ô rô gai để trồng rồi xén phẳng vừa kín vừa đẹp mắt. Dọc theo hàng rào ô rô, có thể trồng thêm những cây lâu năm vừa bảo vệ đất lại vừa có trái ăn, mùa nào thức nấy. Cây mít được ngoại tôi chọn trồng dọc hàng rào, trong khi nhà người khác trồng dừa. Ngoại mất sớm nên không nghe ngoại giải thích tại sao chọn cây mít, nhưng tôi đoán gỗ mít rất quý, cây mít lại dẻo dai.
Cây bồ kết ở góc vườn. |
Vườn quê xưa, ngoài những cây trồng thì còn nhiều cây tự mọc - thành quả của lũ chim. Nếu những cây này mọc ngay hàng rào thì thường được chủ vườn giữ lại thành những cọc rào tự nhiên. Rào nhà ngoại nào là cây bông gòn, cây bồ quân, cây bồ kết (còn gọi là chùm kết)… Cây gòn để đến mùa lấy bông nhận gối, còn cây bồ quân và cây bồ kết gai chi chít. Song, chúng là cả một thế giới của tuổi thơ, nhất là những trưa hè trốn ngủ. Lũ trẻ chúng tôi dùng một cây khèo dài có móc ở đầu luồn vô chùm trái rồi giật mạnh. Trái bồ quân ăn đen răng nhưng vò kỹ cho mềm thì rất ngon và ngọt. Bồ kết tuy không ăn được nhưng phơi khô, gom nhiều nhiều cũng bán được.
Những cây bồ kết, qua Tết tới đầu mùa hè trái đã già, hạt đã to và có thể thu hoạch được. Ngày xưa, chỉ có những thợ hái chuyên nghiệp mới đi thu mua bồ kết cả cây vì cây nào cũng chi chít gai chùm từ gốc lên cao. Thợ hái thường vặn cả chùm, thả xuống cho người bên dưới thu bỏ vô bao. Họ sẽ đem về phơi khô rồi bán sỉ. Trẻ con sẽ ké những chùm quá cao hoặc còn non, người ta bỏ lại. Gió trưa hè sẽ làm cho những trái bồ kết rụng theo đợt gió, cứ thấy một cơn gió là lật đật chạy ra thế nào cũng được cả bụm. Ngắt một nửa tàu lá chuối cuộn lại như cái phễu hoặc lật vạt áo lên bỏ vô rồi đem phơi ở sân gạch. Lượm và phơi được nhiều nhiều thì đem bán. Cầm những đồng tiền lẻ mà đám trẻ mừng rỡ, có thể để dành mua đồ dùng học tập.
Ngày xưa, khi dầu gội công nghiệp còn hiếm, hầu như mọi người, mọi nhà đều gội đầu bằng bồ kết. Nướng vài trái rồi bỏ vô nồi nấu. Để nước gội thêm thơm, những người mẹ, người bà còn bỏ thêm vỏ bưởi, lá hương nhu hoặc lá dứa (còn gọi là lá nếp)… Nhưng với trẻ con hiếu động thì gội đầu bồ kết là một cực hình vì lỡ để nước gội chảy vô mắt là cay xè. Nhưng quả thật, gội đầu bằng nước bồ kết tóc rất mượt, da đầu sạch, đêm nằm thơm cả mặt gối. Xã hội hiện đại, sau một thời gian gội đủ thứ loại dầu gội, người ta nhận ra rằng, gội đầu bằng bồ kết vẫn là số một, bởi hương thơm và tác dụng tự nhiên của nó. Gặp mùa thu hoạch trái bồ kết, mua vài lạng hoặc cả ký, đem phơi khô, bỏ lên chảo rang rồi giã dập, cho vào những túi vải nhỏ cất chỗ khô ráo, mỗi lần cần gội đầu lấy ra một gói ngâm vô nước nóng hoặc nấu lên, cho thêm lá thơm, người già rất thích.
Cây bồ kết bây giờ không còn nhiều nên trái bồ kết khó kiếm, giá lại rất cao, có khi lên đến 200 ngàn đồng/kg. Thời gian dịch Covid-19, người ta truyền tai nhau về tác dụng diệt khuẩn của bồ kết bằng cách mỗi ngày đốt vài trái bồ kết xông nhà. Thế nhưng, không phải muốn mua là có. Thời đất hẹp người đông, vườn chia nhỏ cho con cái xây nhà, trồng trọt nên trồng cây gì cũng phải được nghiên cứu kỹ. Hàng rào bây giờ cũng không phải là hàng rào cây tự nhiên như ngày xưa. Giờ đã có hàng rào dây kẽm, lưới B40 nên những loại cây tạp không cần nữa. Bồ kết lại chiếm nhiều đất nên phải nhường chỗ cho các loại cây ăn trái khác. Vì thế, bồ kết có lẽ chỉ còn trên rẫy, trên đồi, hoặc mọc hoang đâu đó. Bởi vậy bồ kết khan hiếm, hiếm thì giá cao.
Một lần cùng bạn đi ăn ốc luộc ở tiệm, người bán hàng dọn ra một đĩa ốc với cái kim băng, tự nhiên nhớ ngây người những chùm gai bồ kết vườn nhà. Chỉ cần bẻ vài cái gai, tìm thêm nắm sả, nắm lá chanh, ngắt vài trái ớt, đào ít củ gừng rồi ra chợ quê kiếm mớ ốc đồng, cả nhà được một bữa quây quần xúm xít, tận hưởng món ngon dân dã ốc luộc chấm mắm gừng cay cay… Không lẽ cây bồ kết sẽ chỉ còn trong hoài niệm hoặc hình ảnh trong trí tưởng tượng của con cháu sau khi tìm kiếm trên Google? Tôi đã xin cả nhà giữ lại một cây bồ kết chim tha hạt đến đã mọc lên khá cao. Chưa hết, lũ chim còn tha đến vài dây bông bụt, điểm tô cho cây bồ kết những bông hoa đỏ rực rỡ, làm sáng cả một góc vườn. Tại sao chúng ta có một vùng ký ức đẹp về cây bồ kết mà không lưu giữ ký ức cho con cháu hôm nay và mai sau?
CHẾ DIỄM TRÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin