21:45, 20/10/2023

Dưới mái hiên nhà mẹ

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Tôi từng có lúc ao ước giá như mình biết vẽ tranh, tôi chắc chắn sẽ dùng sắc màu lưu giữ lại khoảnh khắc của buổi chiều hôm ấy, trước khi gia đình nhỏ của tôi rời nhà mẹ. Thực ra, đó là một buổi chiều bình thường, sau khi nội tôi mất một thời gian ngắn. Tôi về nhà thăm mẹ, chiều tối đã định đi nhưng cứ nấn ná hoài. Cả nhà ngồi dưới chiếc cổng thoai thoải nhìn về phía rừng bạch đàn trước mặt. Mẹ tôi ngồi bế cháu, kế bên là chú chó già màu xám. Tôi và bố ngồi phía sau, kể với nhau vài ba câu chuyện làng trên xóm dưới. Không hiểu sao trong ánh hoàng hôn ấy tôi mơ hồ thấy được một mất mát nào đó xa xôi. Bố mẹ tôi đã ngoài sáu mươi, mắt mờ, tóc bạc, những đứa cháu lần lượt lớn lên. Trong những câu chuyện thường ngày mẹ hay tính “sau này…”. Những lúc ấy, lòng tôi trào dâng nỗi xót xa. Tôi nhận ra có thể mình còn nhiều thời gian nhưng bố mẹ thì không. Họ đã sống quá nửa đời người trong vất vả lo toan mà chưa có một ngày thảnh thơi, thong thả. Chúng tôi đã kịp làm gì cho bố mẹ đâu. Căn nhà vẫn cũ, mảnh sân rêu phủ, giấc ngủ nào cũng thấp thỏm âu lo…

Tôi nhớ ra mình chưa chụp với mẹ bức ảnh nào tử tế. Mẹ luôn xua tay mỗi khi thấy điện thoại, máy ảnh chĩa vào mình, thành ra mọi khoảnh khắc bên mẹ đều được lưu giữ lại ấm nồng và tươi mới trong tim. Có lẽ từ bé tôi đã không quen nói những lời yêu thương với mẹ. Nhưng giống như những người con khác, mẹ là nhà, là quê hương, là bến đỗ bình yên nhất. Để những đứa con mải miết mưu sinh ở thế giới ngoài kia dẫu thất bại, đớn đau, mỏi mệt sẽ có nơi để tìm về. Tôi thường không về nhà những lúc buồn, không bao giờ khóc với mẹ trong những lần vấp ngã. Tôi sẽ về vào lúc lòng bình yên nhất để được ngồi bên mẹ dưới mái hiên nhà. Ngoài sân, hoa xoài rụng li ti như mưa bụi. Nắng xuân lan ra những đám rêu ẩm mốc. Mẹ ngồi dưới bậc tam cấp, xõa mái tóc pha sương buông xuống vai gầy. Tôi ngồi nhổ tóc trắng cho mẹ, hỏi chuyện về những người già trong làng ai còn ai mất? Chuyện mùa này mẹ cấy những ruộng nào? Chuyện đã lâu không còn thấy những con cá săn sắt nhiều màu.

Ảnh: G.C
Ảnh: G.C

Quanh quẩn thể nào cũng lại nói về chuyện ngày xưa. Cái thời chưa có điện, đêm hè nào mẹ cũng thức quạt đến mỏi rã rời tay mà các con vẫn chưa chịu chìm vào giấc ngủ. Những ngày mưa nhà dột tứ tung, mẹ mang chậu hứng khắp nhà. Mẹ nhường chỗ giường khô ráo nhất cho mấy đứa con. Túi mẹ chẳng bao giờ có tiền dư dả, luôn là cảnh bữa nay lo bữa mai. Thương các con không có tiền đóng học phí, mẹ bắt con gà mái cuối cùng trong chuồng, bán bao lúa cuối cùng mà nước mắt rơi. Nghèo thế chứ nghèo nữa mẹ cũng chẳng bao giờ để các con thất học. “Học cho ấm vào thân” là câu bố mẹ hay nói. Dù thế nào thì các con của mẹ vẫn sẽ được đến trường như bao nhiêu bè bạn.

Mấy anh em tôi chưa từng tặng cho mẹ bông hoa nào. Mẹ cũng chưa từng được thổi bánh sinh nhật như rất nhiều bà mẹ ở quê. Tôi chỉ lặng lẽ trở về ăn cùng mẹ bữa cơm, mua cho mẹ hộp thuốc hay bộ quần áo giản dị ở chợ quê. Tôi vẫn thấy mình là đứa trẻ lên mười đứng ở cổng nhà nhìn về con đường vời vợi phía xa chờ bóng dáng thân quen của mẹ đi chợ về, để nũng nịu bám lấy gấu áo mẹ nhòm vào chiếc làn nhựa chứa đầy cổ tích trong quả thị thơm, gói kẹo bột mùi gừng, chiếc bánh rán giòn rụm ngọt ngào. Tôi chẳng mong ước gì nhiều, chỉ mong bố mẹ sống thật lâu. Để thỉnh thoảng đang lúi húi làm việc trong nhà bỗng thấy tiếng mẹ gọi ngay ngoài cổng. Mẹ tay xách nách mang theo con gà, chục trứng, mấy bó rau sạch non mơn mởn hay cây măng vừa chặt trên rừng. Tôi níu mẹ ở lại ăn một bữa cơm, ra ngoài vườn xem hoa mới nở, xem luống rau vừa trồng… Chỉ những điều giản dị thế thôi cũng khiến tôi hạnh phúc đến nhường nào!

VŨ THỊ HUYỀN TRANG