1. Ngoại có mảnh vườn rộng phía sau nhà, sát bờ sông. Mỗi năm, nước lụt tràn bờ bồi đắp phù sa nên vô cùng màu mỡ. Hồi trẻ, ngoại trồng chuối, xoài, ổi, mận, me để sau này con cháu có cái mà ăn. Chiều đi học về, tụi tôi mang sách vở ra đó ngồi ngó trời ngó đất. Nhìn ra xa, lũ chim bói cá lông đủ màu bay chập chờn trên sóng lăn tăn, hễ thấy con cá nào là quăng mình xuống, đớp một phát rồi bay vút lên cao, đứng đậu trên ngọn tre vắt vẻo nhâm nhi thỏa thích. Con cò cổ dài, chân cao, ốm tong teo đứng giữa dòng rỉa cánh, lâu lâu nhúng mỏ dài xuống nước mò quậy một hồi, ngước lên, thế nào cũng có con cá trắng giãy giụa trong miệng.
Chiều xuống, lũ cò quàng quạc bay về đậu đầy ngọn tre, quàng quạc rỉa cánh rồi rúc đầu vô bụi ngủ. Sáng ra, chúng vỗ cánh bay náo loạn một góc vườn. Ngoại chẳng bao giờ thấy phiền rồi đuổi chúng đi, bởi chim trời tung cánh, vườn nhà mình rộng rãi, an lành, lũ cò chọn làm chỗ trú chân. Bữa nào không nghe tiếng vỗ cánh rần rần lại đâm ra nhớ.
Ảnh internet. |
2. Ngoại có hai cây me già cao to, thân 2-3 người ôm không xuể, cành lá sum suê phủ bóng cả mảnh vườn, chỉ có điều trái chua lè, hột to, cơm mỏng nên tụi tôi chỉ hái lúc còn non rồi ghé nhà dì Ba mua ít mắm ruốc về giã ớt tỏi, quết ăn, ngon bá cháy. Cuối mùa, me già rơi đầy trên nền đất, bé Tơ cặp rổ đi lượm một lát là đầy, đem ra chợ bán cho mấy thím hàng rau bán kèm đồ nấu canh chua.
Những ngày tháng 5, lúc tu hú trốn trong bụi cây bắt đầu kêu “tu hú, tu hú” là tụi tôi nôn nao bởi hè về, nghỉ học, quăng cặp sách qua một bên, tắm mưa, lén ba má ra đồng mót lúa, mò cua, bắt ốc. Những cánh đồng lúa chín vụ đông xuân gió thổi ngả nghiêng như sóng, trải thảm vàng ươm kéo dài tới tận chân trời.
Mùa gặt, lũ se sẻ kéo từng đàn bay rợp trời, gặp đám lúa nào cũng sà xuống, nhảy loi choi, mổ ăn. Cô chú nhà nông tiếc công một nắng hai sương, dầm mưa dãi gió, rải phân nhổ cỏ, giữ bông lúa chín vàng, thấy chim sẻ về là lo ngần ngật, xót của thấy thương. Họ cắm bốn phía và giữa đám ruộng vài chú bù nhìn làm bằng hai miếng tre bắc ngang hình chữ thập, bện thêm tí rơm, đầu đội nón cời ra dáng nông dân. Chim sà xuống, thấy bù nhìn lại ngỡ người ta, vỗ cánh bay đi mất biệt.
Mót lúa chán, tụi tôi làm bẫy bắt chim. Dễ thôi, úp cái rổ xuống, lấy sợi dây cột vô khúc cây chống lên rổ, bỏ thêm ít hột lúa, rồi chui vô bụi núp. Con chim nào ham ăn, nhảy loi choi mổ lúa là nhanh tay giật dây thiệt mạnh. Thúng úp lại. Dính chóc. Hết cựa. Một buổi chiều có khi bắt được vài chục con về lặt lông, nhét muối ớt, nướng trên than vừa ăn vừa hít hà. Trời ơi ngon không thể tưởng.
3. Lớn lên, đi nhiều nơi, thấy cái nào cũng to, cũng rộng. Về lại chốn xưa, mảnh vườn cứ như nằm gọn trong lòng tay mình ấy. Vườn cũ giờ trống huơ trống hoác. Một dạo túng tiền, khổ quá, dì kêu người tới cưa cây me bán làm thớt mất tiêu. Huyện xây đập ngăn dòng giữ nước tưới tiêu làm nước sông đọng thành vũng, chảy lờ đờ, dơ hầy, không có cá tôm nào sống nổi. Lũ bói cá chẳng lượn lờ kiếm mồi trên sóng. Bụi tre lỏng chỏng nằm phía lở bờ sông, trơ ra những bó rễ chùm cắm sâu vào lòng đất. Mừng Ninh Hòa lên thị xã, chính quyền quyết định làm bờ kè dọc hai bờ sông tránh lở đất. Một ngày nào đó, bụi tre giữ đất, giữ vườn bị bứng gốc quăng đi. Rồi lúc chiều xuống, chẳng có chỗ cho bầy cò, bầy vạc quang quác bay về trú tạm qua đêm.
4. Mỗi lúc nhớ quê, tôi vội vã trở về, chạy ra bờ sông hay đạp xe ra thửa ruộng còn sót lại đứng ngóng. Gió thổi ùa qua mặt, lúa reo vui, có cánh chim trời nào chơi vơi giữa bầu trời cao rộng. Tự nhiên thèm về tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo với lũ bạn tung tăng trên đường làng, ven mấy đám lúa trổ đòng đòng thơm ngát.
Mà tháng năm vô tình đi mải miết, mơ ước thì nhiều nhưng có bao giờ quay lại được đâu?
Nguyễn Hữu Tài
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin