Tôi gọi điện về quê hỏi thăm bác dâu, nghe bác phàn nàn: "Ông bác trưa nắng lụi cụi làm đất trồng bông vạn thọ. Ông mới đạp xe đi mua một bịch hạt giống mười mấy ngàn đồng". Nghe câu phàn nàn đầy tình thương ấy mà sống mũi tôi cay cay. Tôi nghe như phảng phất cái mùi hăng hắc của bông vạn thọ. Tết chạm ngõ rồi ư?.
Tôi gọi điện về quê hỏi thăm bác dâu, nghe bác phàn nàn: “Ông bác trưa nắng lụi cụi làm đất trồng bông vạn thọ. Ông mới đạp xe đi mua một bịch hạt giống mười mấy ngàn đồng”. Nghe câu phàn nàn đầy tình thương ấy mà sống mũi tôi cay cay. Tôi nghe như phảng phất cái mùi hăng hắc của bông vạn thọ. Tết chạm ngõ rồi ư?.
Lạ kỳ cái mùi và màu hoa ấy luôn gợi nhớ cả một vùng ký ức thân thương, yên ả.
Mỗi lần Tết, nhìn màu vàng triền miên tôi nhớ bố da diết!.
Tản văn
Vào khoảng tháng Chạp, nhà nào nhà nấy lặt lá mai, vun vài luống vạn thọ, chuồn chuồn để rồi cả làng quê bừng lên sắc vàng tươi no ấm. Bố tôi cũng cuốc đất, lên luống, rắc hạt giống đầy một khoảnh sân. Những túm hạt bố chọn cất đi từ hơn 300 ngày trước, giắt khô trên chái nhà. Hạt nảy mầm thành từng vạt cây con rồi lớn nhanh, xanh um trong tiết trời se lạnh cuối năm.
Tôi đi học ngoài thị trấn, cứ cuối tuần về lại ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mảnh sân nhỏ. Bố tôi bứng những cây vạn thọ trồng hai bên lối đi từ đầu ngõ vào tận nhà. Chúng cao rất nhanh và chẳng mấy chốc chi chít nụ. Những ngày giáp Tết, bông vạn thọ e ấp rồi bung nở, khoe sắc vàng giữa lùm lá xanh um, lòng người càng có điều gì đó chộn rộn khó tả. Bản nhạc xuân cũng nao nao rộn ràng phát ra từ cái đài cũ kỹ của bố.
Mùi hoa vạn thọ hăng hắc. Mẹ bảo nó... hôi, thế nhưng không có sắc vàng của hoa vạn thọ là cái Tết xứ Vạn này sẽ thiếu, sẽ nhạt lắm. Những bông vạn thọ to như nắm tay em bé. Cánh chúng mềm mại xếp khéo léo như chiếc váy nhiều tầng của nàng công chúa trong cổ tích. Đẹp lạ kỳ và vàng đến say mê. Hết mấy ngày Tết mà hoa chưa tàn thì vẫn như chưa hết Tết. Khi hoa tàn, bố lại chọn những bông đẹp nhất, to nhất phơi khô, giắt lên góc bếp cho mùa Tết sau. Lòng trẻ con chưa hết Tết đã rộn rã chờ Tết! Chờ từ mùa xuân năm trước bố chọn bông hoa già đẹp nhất, giắt lên mái nhà làm giống. Chờ từ lúc mùa bớt mưa để làm đất, rải hạt đến khi cây con lún phún mọc thì đem trồng thành luống, thành hàng và ra nụ, trổ bông. Khi những vạt bông vạn thọ và chuồn chuồn vàng đậm, vàng tươi lấp ló, chúng như khoác áo mới cho ngôi nhà và khắp nẻo làng quê. Ai cũng xếp lại những âu lo vì Tết luôn mở ra niềm hy vọng về những điều tốt đẹp.
Bao nhiêu năm, vạt hoa vàng của bố, của làng quê xứ Vạn vẫn rực rỡ trong ký ức. Mãi khi lớn lên tôi mới hiểu ra, bố trồng những vạt bông thọ, bông chuồn để ươm cho chúng tôi những cái Tết trọn vẹn. Tôi sẽ không còn tưởng nhớ được gì về ngày Tết ở ngôi nhà cũ nếu không có những vạt bông vàng rực của bố trong ký ức xa xăm.
Tết có bố mẹ, có quê hương là cái Tết đủ đầy nhất. Vui sao những chiều cuối năm theo bố đi rửa lá dong gói bánh chưng cho cả xóm. Vui sao cùng lũ trẻ trong xóm xúng xính khoe áo mới và phong bao lì xì đỏ thắm sáng đầu năm. Vui sao nhìn cái mâm dưa góp của mẹ có đủ kiệu, hành, cà rốt, đu đủ phơi ngoài sân đầy nắng xuân. Và vui biết chừng nào mỗi độ trước hiên nhà vàng rực một vạt vạn thọ mỉm cười nghinh đón mùa xuân thịnh vượng.
Tròn 10 năm, bố không còn để trồng những luống cà, luống hoa chờ con cháu về ăn Tết. Một năm mới chạm ngõ. Cũng sắp đến ngày giỗ bố. Lòng tôi ấm áp khi màu hoa ấy bắt đầu khoe sắc trên những nẻo đường quê đầy nắng.
Nguyễn Thị Thu Thủy