Chị là con riêng của má. Ngày má lấy chồng khác, chị chưa đầy 7 tuổi. Cái tuổi chưa đủ để hiểu chuyện đời, chuyện người lớn, nhưng cũng đủ để hiểu rằng từ nay mình đã mất mát một thứ tình cảm thiêng liêng lâu nay không muốn chia sẻ cho người khác, đó là má. Sau này chị kể, hồi ấy chị giận má và ba lắm, nhiều lúc muốn bỏ đi khỏi nhà, trốn vào một bụi cây, hóc xó nào đó để được hả hê thấy má chạy đi tìm, vừa khóc vừa gọi "Mận ơi, Mận ơi...". Nói rồi chị cười buồn: "Hồi ấy chị còn con nít lắm".
Chị là con riêng của má. Ngày má lấy chồng khác, chị chưa đầy 7 tuổi. Cái tuổi chưa đủ để hiểu chuyện đời, chuyện người lớn, nhưng cũng đủ để hiểu rằng từ nay mình đã mất mát một thứ tình cảm thiêng liêng lâu nay không muốn chia sẻ cho người khác, đó là má. Sau này chị kể, hồi ấy chị giận má và ba lắm, nhiều lúc muốn bỏ đi khỏi nhà, trốn vào một bụi cây, hóc xó nào đó để được hả hê thấy má chạy đi tìm, vừa khóc vừa gọi “Mận ơi, Mận ơi...”. Nói rồi chị cười buồn: “Hồi ấy chị còn con nít lắm”.
* * *
Đời ba tôi cũng có nỗi khổ riêng. Người vợ trước của ông hiền hậu, giỏi giang, có nhan sắc, trong làng ai cũng khen hai người xứng đôi, trong nhà ai cũng quý. Bà nội tôi thì khỏi nói, thương và bênh con dâu còn hơn con đẻ. Chỉ có điều, vợ chồng sống với nhau gần chục năm mà không sinh được một đứa con, trong khi ba tôi là con trai duy nhất của dòng họ Trần Văn. Bà nội buồn chuyện đó nhưng giấu kín trong lòng, không trách móc trực tiếp gì con dâu, chỉ thỉnh thoảng nói bóng gió đứa con trai không làm tròn việc hiếu, để bà gần đất xa trời vẫn không có người nối dõi.
Thế rồi, như đọc được lòng mẹ chồng, một ngày nọ, người con dâu khóc, cúi lạy xin lỗi bà vì mình không sinh đẻ được, rồi bỏ ba tôi đi vào miền trong. Vợ đi ra cổng, ba tôi không có phản ứng gì, chỉ ra ngồi ở bậc thềm nhà, im lặng nhìn theo bóng vợ khuất hút cuối làng rồi mới thở dài, ông nghĩ nguyên nhân không thuận đường con cái là do mình.
Bởi thế sau này khi lấy má tôi, ba tôi coi chị như con ruột, chăm bẵm, chiều chuộng, dạy dỗ mong chị thành người, dù nhiều lúc chị bướng bỉnh không chịu nghe lời, nhất là khi có mặt má. Có lần chị còn hỗn hào nói “ông đâu phải ba tui, ba tui chết rồi”, ông giận lắm nhưng cũng không nạt nộ hay dọa đánh, chỉ ngồi phịch xuống tấm phản, mắt nhìn ra cửa sổ coi như không có chuyện gì xảy ra. Những hôm như thế, ông buồn đến ba bốn ngày, chỉ có má tôi hiểu.
* * *
Tuy ghét ba dượng, nhưng chị là người thương các em nhất nhà. Nghe má kể lại hồi ba đi làm ăn xa, anh tôi mới hơn một tuổi. Hôm có trận càn lớn của Pháp lên vùng Mỹ Xá, nơi gia đình tản cư, cả xóm mạnh ai người nấy chạy vào rừng. Má tôi gánh một đầu thúng gạo, cá khô, mắm muối, một đầu thúng là anh tôi. Còn chị ôm bọc áo quần chạy theo sau. Lúc lội qua suối sâu, má đội cái đòn gánh lên đầu, sợ em ướt, chị gồng mình nhón chân đỡ đáy thúng, nhưng anh tôi vẫn bằn bặt khóc, không cách gì dỗ nín được. Đoàn người chạy giặc như ong vỡ tổ, có ai đó la lên “bóp miệng thằng nhỏ lại, chết hết cả xóm bây giờ”. Chị tôi vừa chạy vừa đút khoai cho em ăn, vừa mếu máo năn nỉ má chạy đường khác, đừng bóp miệng em tội nghiệp.
***
Năm 19 tuổi, chị tôi lấy chồng. Quê chồng ở xa, nhà chồng cũng chẳng khá giả gì, đã ít người làm lại đông miệng ăn, nên chị phải làm việc quần quật suốt ngày, ít khi về thăm nhà. Thỉnh thoảng ba nói với má: “Mình sai rồi, gả chồng cho con gái vào nhà quá nghèo, vậy là nó khổ từ nhỏ cho tới lớn”. Má nói: “Ông đừng trách mình, cũng đều do duyên phận cả”.
Vắng chị, mấy đứa em không còn được mỗi lần đi đâu về thế nào chị cũng ôm từng đứa vào lòng cho khế, cho ổi. Suốt cả một thời gian dài đứa nào cũng nhớ chị Hai ngẩn ngơ. Còn ba thì thỉnh thoảng nói với má: “Con Hai giận gì tui mà giận lâu thế bà”, má cười buồn, lén chùi nước mắt.
* * *
Ngày ba tôi ốm nặng đúng vào hôm trời mưa lạnh thấu xương. Một hôm, hình như ông cảm nhận được bà nội đang gọi ông đi nên nhờ người hàng xóm ra bưu điện gửi điện tín gọi các con về. Cả mấy anh em có mặt sớm, nhưng ba tôi cứ nằm im nhìn ra ngõ. Mấy ngày sau mới thấy chị Hai tôi về tới nơi. Nhìn thấy chị, ông nằm quay mặt vào trong, không nói một lời nào.
* * *
Giờ lâm chung, như ngọn đèn sắp cạn dầu bùng cháy lên lần cuối, ba tôi tỉnh lại, ngoái đầu hỏi chị tôi “hôm nay ngày mấy hở con”, chị nói “gần ngày rằm rồi ba”. Ông hỏi tiếp “hết mưa chưa con”, chị nói “tạnh rồi ba”. Nói xong, chị lấy khăn nóng lau mặt cho ông, rồi tự nhiên òa lên khóc, ôm lấy ông nức nở gọi “ba ơi...”.
Hình như ông cười, giọt nước mắt ứa ra hai bên khóe mắt. Thế rồi ông đi.
. Truyện ngắn của PHÙNG NGUYÊN MỸ