10:12, 16/12/2022

12 ngày đêm năm ấy…

Ngày 18-12 này, chúng ta kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng với ai từng sống trong không khí của 12 ngày đêm đánh pháo đài bay Mỹ sẽ mãi mãi là ký ức không quên.

Ngày 18-12 này, chúng ta kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng với ai từng sống trong không khí của 12 ngày đêm đánh pháo đài bay Mỹ sẽ mãi mãi là ký ức không quên. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi nhớ về Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình đã viết: “Và nhớ lúc bom rơi lửa chiến tranh; đất rung ngói tan gạch nát…” chắc là viết về những ngày này. Nhân loại tiến bộ không quên những ngày trong dịp lễ Giáng sinh, B52 đã rải thảm, san phẳng phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai…


Mặc dù quê ở xa Hà Nội và các thành phố lớn nhưng lứa học trò tụi tôi khi đó, từ đầu năm 1972 đã phải học ở trường sơ tán. Sáng ra, cả bọn lút cút đến trường, đầu đội mũ rơm (để tránh bom bi), tay ve vẩy túi xách và lọ mực. Lớp học là một căn nhà nửa nổi nửa chìm, thông với giao thông hào và cách một đoạn là có một căn hầm chữ A để tránh bom. Những ngày nắng chui vô hầm còn đỡ, chớ ngày mưa, bùn lép nhép khổ vô cùng. Bàn ghế ghép bằng thân tre, chôn đại xuống nền nhà. Trong lớp rất tối và muỗi nhiều lắm chứ không lãng mạn như câu thơ của Bằng Việt: “Đồi trung du phơ phất lá thông già/Trường sơ tán hồn trong chiều lặng gió…”.


Thời đó đi học nhớ nhất là những buổi chiều coi pháo cao xạ của mình săn máy bay Mỹ. Phía xa, từng tốp máy bay đen sì nhìn rõ mồn một gầm gào. Đạn pháo cao xạ nổ trên nền trời xanh như bắp rang, bung ra những bụm khói trắng, tiếng lụp bụp vọng từ xa. Mặc kệ cô giáo la hét khản cổ, lấy roi đét, cả lũ cứ thò đầu ra khỏi hầm coi, la hét khản cổ. Sau trận chiến, hàng nùi giấy bạc bay theo gió đến tận nơi trường học. Người lớn cấm bọn nhỏ đụng vô vì sợ có thuốc độc, nhưng thực ra, mấy anh bộ đội cao xạ đóng ở đồi bên nói với bọn nhỏ đó là giấy bạc máy bay Mỹ phun ra làm nhiễu ra đa của mình.


Những ngày đầu tháng 12-1972, bọn tôi được nghỉ học vì tình hình ngày càng xấu đi. Cuộc tập kích chiến lược bằng không quân ngày càng rõ nét. Xã thông báo đến từng gia đình, mẹ cấm anh em tôi ra khỏi nhà và chỉ được chơi quanh quẩn quanh cửa hầm. Cả lũ cũng bồn chồn, tai cứ dỏng lên nghe thông báo trên loa phát thanh. Rồi ngày 18-12 đến, bắt đầu là tiếng kẻng báo động chói tai. Mẹ lùa mấy chị em ra hầm, tất cả hồi hộp, chờ đón một điều gì kinh khủng nhất. Tôi cố nhoi mặt ra, nhìn về phía chân trời xa ầm ì, nhoang nhoáng ánh lửa như đang trong cơn bão, những làn đạn cao xạ đỏ lừ xé màn đêm, những vệt lửa sáng rực của tên lửa bay lên vun vút… Mẹ lôi tôi vào và cú một phát đau điếng.


Không thể nói hết nỗi mừng vui, sung sướng khi nghe bản tin thời sự đặc biệt trên Đài phát thanh sáng 31-12, thông báo chiến dịch tập kích bằng B52 vào Hà Nội và các thành phố lớn tàn bạo nhất lịch sử đã bị quân và dân ta đập tan. Nhẹ nhõm, sung sướng, biết chắc rằng không còn những đêm nơm nớp trong hầm, không còn cảnh đội mũ rơm đi học trường sơ tán… Niềm vui trẻ thơ khiến bọn tôi như lũ trẻ tăng động, chạy nhảy tưng tưng khắp cả đường làng.


Nửa thế kỷ trôi qua, tiếng đạn bom đã trở thành dĩ vãng trên mảnh đất này, nhưng đâu đó trên thế giới vẫn chưa được hưởng niềm hạnh phúc bình yên. Nhớ về những ngày qua để biết trân trọng những ngày đang có.


Cuộc sống ơi, ta mến yêu người.


Thủy Ngân