Xóm có chừng chục nóc nhà nhưng có đến 5 bụi tre to. Hàng tre vươn cao, bóng tre đỡ bóng nắng làm đường làng mát mẻ, dễ chịu. Nhưng ban đêm, trẻ nhỏ không dám ra đường. Đường hẹp, gốc tre to, tối om om, nếu phải đi đâu tụi nhỏ đều năn nỉ người lớn dắt đi.
Xóm có chừng chục nóc nhà nhưng có đến 5 bụi tre to. Hàng tre vươn cao, bóng tre đỡ bóng nắng làm đường làng mát mẻ, dễ chịu. Nhưng ban đêm, trẻ nhỏ không dám ra đường. Đường hẹp, gốc tre to, tối om om, nếu phải đi đâu tụi nhỏ đều năn nỉ người lớn dắt đi.
Nhưng Trung thu thì không. Không một đứa nhỏ nào còn tồn tại cảm giác sợ đêm tối nữa, ngược lại còn nhào ra đường để đón trăng. Tôi cũng không sợ. Đường quê đêm Trung thu yên ả, chắc người lớn hiểu ý nên nhường sân cho trẻ nhỏ. Trăng Trung thu đẹp quá! Mới tàn ngày đã thấy trăng. Trăng hào phóng bung tỏa ánh sáng nơi nơi. Quan trọng hơn, trăng tiếp thêm lòng dũng cảm để lũ nhóc dạn dĩ ùa ra đường. Chúng tôi hớn hở, vui mừng nhảy cẫng dưới trăng.
Với trẻ con nhà nghèo như chúng tôi, Trung thu chỉ có trăng. Lồng đèn cá chép sáng rực đi xem múa lân, cỗ bánh Trung thu sực nức, béo ngậy là những thứ vô cùng xa xỉ. Không có những thứ đó cũng chẳng khiến Trung thu buồn bã. Vì cơ bản đứa nào cũng biết câu chuyện chú Cuội, chị Hằng. Rồi đứa nào cũng biết tìm tre, chẻ nhỏ thành sợi rồi chuốt nhẵn, vuốt mềm và xếp thành hình ngôi sao, lấy giấy học trò, giấy bạc dán thành chiếc lồng đèn xinh xinh cầm tung tăng dưới trăng. Tài sản Trung thu tuổi thơ tôi và các bạn chỉ có vậy, nhưng rất vui.
Chiều hôm đó, tất cả các bếp trong xóm đều nổi lửa sớm hơn thường lệ. Các mẹ, các chị ưu tiên cho mấy đứa nhỏ cơm nước sớm đặng vui trăng.
Cơm chiều xong, chúng tôi ùa ra đường canh trăng. Một đứa reo to “trăng lên kìa!”. Ngay lập tức, những khuôn mặt bé nhỏ cùng ngước về phía trăng. Trong ý niệm của một đứa trẻ, trăng là cả thế giới huyền bí, diệu kỳ. Chúng tôi ngước nhìn trăng, cùng nhau đi theo quả cầu sáng vĩ đại trên trời, vừa đi vừa đồng thanh đọc: “Trăng tròn như cái đĩa. Lơ lửng mà không rơi. Em đi trăng theo bước. Như muốn cùng đi chơi”. Đi một vòng, chưa kịp mỏi chân đã hết con đường trong xóm. Trăng Trung thu sáng tỏa. Đứng ở ngoài đường có thể nhìn rõ các nhà trong xóm. Những ngôi nhà rất quen bỗng đêm nay hóa lạ. Dưới trăng, mọi thứ đều trở nên lung linh, đẹp đẽ.
Trẻ con chúng tôi tận hưởng trăng, vui chơi đủ trò: Kéo co, năm mười, bịt mắt bắt dê. Những trò này ngày thường chơi hoài nhưng tối có trăng, trò chơi bỗng hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi chơi ngoài đám cỏ, lấn tuốt ra đường. Nhưng không sao, ngã ba đường đêm Trung thu trở thành sân chơi của trẻ nhỏ, người lớn nếu có việc đi ngang cũng chủ động né cho mấy nhỏ chơi chứ không rầy la như mọi bận. Chơi đến mệt mới tiếc nuối chia tay, nhà ai nấy về.
Chơi trăng đã đời, về tới nhà ngồi bệt ra thềm nhà. Mẹ thấy mồ hôi nhễ nhại thì hối đi tắm rửa, thay đồ, ra hè nằm ngắm trăng cho mát, nếu buồn cứ ngủ, ba sẽ bồng vô giường.
Bình dị, ấm áp thay, Trung thu của ngày thơ!
Nguyễn Thị Bích Nhàn