Na lặng lẽ tới sau lưng và hù một tiếng. Hoa giật nảy mình quay lại. Con bạn thân chìa ra bịch xoài lắc:
Na lặng lẽ tới sau lưng và hù một tiếng. Hoa giật nảy mình quay lại. Con bạn thân chìa ra bịch xoài lắc:
- Ui da! Làm gì mà tui đứng sát sau lưng bà vẫn không biết vậy?
- Đâu, tui có làm gì đâu? Hoa chống chế, nhón một miếng xoài lấm tấm ớt bột, cắn một miếng rồi hít hà vì cay.
- Ê! Hồi này tui thấy bà lơ đãng lắm nha! Mấy lần cô văn nhắc đó. Lại còn vụ ghi ra tay…Na lấy chiếc que nhỏ gạt bớt ớt bột trên miếng xoài rồi bỏ vô miệng, vừa nhai “rạo rạo” vừa nhìn Hoa với ánh mắt lấp lánh.
- À…Hoa ngượng ngập. Nó cúi đầu. Nhón thêm miếng xoài nữa rồi lủm vô miệng. Má đỏ lên. Cười lỏn lẻn. Kì thực nó đang thấy vui vui trong lòng.
Nó không biết từ lúc nào nó lại hay nghĩ đến người ấy thế. Lúc ngồi học bài, lúc nhặt rau cùng mẹ, nó vẫn luôn thấy người ấy: khuôn mặt chuẩn soái ca, da trắng, tóc cắt ngắn, rất hợp với đôi mắt đen dưới đôi lông mày đậm và gọn. Mắt một mí nhưng không nhỏ. Nhìn như một diễn viên Hàn Quốc mà nó vẫn hay xem.
Hình như người ấy từ nơi khác chuyển đến. Giọng nói họ nhẹ nhàng nghe như hát. Hôm ấy nó đi muộn, lúc vào cổng trường nó vấp cái thanh chắn ở cánh cổng trường. Oạch một cái. Nó ngã nghiêng trên mặt đất và cố loay hoay mà chưa đứng dậy được. Đúng lúc đang chới với nó thấy một bàn tay chìa trước mặt nó. Bàn tay trắng trẻo với những ngón tay dài và mảnh. Nó vừa đặt tay vào, bàn tay ấy kéo nó đứng lên với một lực mạnh không ngờ. Khi đó nó ngẩng lên nhìn vừa luống cuống sửa lại vạt áo.
- Bạn có bị đau lắm không? Chỗ này nhiều người hay ngã lắm.
Cứ tưởng sẽ phải khóc vì xấu hổ, thì câu nói đơn giản đó cùng ánh mắt ân cần của người ấy làm nó trấn tĩnh lại. Nó nhoẻn miệng cười rất tươi;
- Ừa cũng may có b… có anh. Cám ơn anh nhé! Sau phút lúng túng nó nói rất gọn chữ “anh” vì người ấy cao hơn nó cả cái đầu và mặt có vẻ là học sinh lớp trên.
Rồi mấy lần sau, nó là Cờ đỏ đi kiểm tra chéo khối lớp 9 thì gặp lại người ấy ở lớp E. Vừa nhìn thấy người ấy nó thấy mặt nóng bừng và tự nhiên e ngại. Còn người ấy cũng nhận ra nó chính là “cô bé ngã xe bữa nọ”. Và rồi sau đó cả hai quen thân hơn. Hôm nào cũng thế, mỗi khi nó đi kiểm tra cờ đỏ người ấy thường nhìn nó thân thiết. Còn nó thì lỏn lẻn cười và tự nhiên ít nói hơn. Ngồi học nhiều khi nó cứ mơ màng vì vậy. Rồi đến lúc thi tập trung, tụi nó thi trước, khối 9 thi theo đề của Phòng Giáo dục nên có lẽ gần hai tuần nó không gặp được “soái ca” của mình. Sáng nay, lúc vừa đến cổng trường, nó thấy lũ bạn đang xúm xít một nhóm đông. Lại gần, nó mới thấy đó là dòng chữ viết bằng phấn trắng trên bảng thông báo chỗ nhà xe “H ơi! Tớ nhớ Cậu! 20.10”. Nó hơi giật mình. 22.10 là ngày nó bị ngã và “Họ” đỡ nó dậy, sau đó mới biết nhau. Bữa trước lớp Hoa có hai bạn đi muộn, đúng phiên “người ấy” trực Cờ đỏ. Na với nó đứng ra năn nỉ mà “họ” vẫn không chịu xóa lỗi cho lớp nên nó giận. Mấy bữa sau “người ấy” cứ diễu qua diễu lại trước cửa lớp nó giờ ra chơi, như mọi khi là nó sẽ mỉm cười và ra nói chuyện cùng. Nhưng lần này nó quyết tâm “phát xít” cho “người ấy” biết tay. Làm mặt giận vậy nhưng trong lòng nó vẫn thấp thỏm mong “người ấy”. Hôm qua, lúc học xong bài, nó đã định hôm nay sẽ bỏ qua cho “họ” thì giờ thấy dòng chữ này. Nó biết đó là dòng chữ của người ấy. Thấy nóng nóng trên má, Hoa nhìn quanh. Quả thực, đứng lẫn trong đám đông, người ấy đang chăm chú nhìn nó. Má nóng bừng, nó vội xoay người đi vội về lớp như sợ lũ bạn biết. Đoạn đường có chừng 200m mà chân nó cứ như muốn bay lên. Lòng vui sướng lạ lùng. Giờ học đó, nó ngồi nhìn lên bục giảng, nghe thầy cô giảng mà tiếng được tiếng mất. Nó cứ thấy hình ảnh dòng chữ và ánh mắt người ấy trước mặt. Ngồi trong lớp, nhìn ra ngoài trời nắng vàng ươm, gió mát nhè nhẹ thổi. Nó nhớ người ấy quá. Vô thức tay nó cầm cái bút viết vào cổ tay trái: “Q.ơi! E nhớ A!” Ai biết đâu nó bị cô gọi lên bảng. Hoa đã cố giấu nhưng cô vẫn đọc được dòng chữ đó. Lúc nó cầm quyển vở để về chỗ, cô nhìn sâu vào mắt nó, và mỉm cười ý nhị:
- Lát ra chơi em rửa tay đi nha. Con gái gì mà viết mực ra tay như kia… Và giờ Na nhắc lại để chọc nó.
- Thôi, có gì đâu. Chỉ là tôi…
- Tôi nhớ, há? Na lém lỉnh cười phá lên rồi chạy vội vào lớp. Hoa cũng dợm chạy đuổi theo.
- Ê! Bộ tính trốn thể dục hay sao mà còn chạy vô lớp?
Lộc xoăn đã đứng trước cửa lớp kêu to. Na hơi sững người rồi chạy vội ra.
- Ừa, tui quên chút. Gì căng. Ông đứng đó tui ra làm sao?
Thầy thể dục đang đứng chờ tụi nhỏ chỗ sân tập. Thầy thổi còi “huýt huýt” và ngoắt tay ra dấu “nhanh lên”. Cả lớp lục tục đứng xếp hàng. Thầy nghiêm nghị:
- Lớp trưởng! Báo cáo sĩ số!
- Thưa thầy! Lớp sĩ số 40. Có mặt: đủ.
-Tốt! Hôm nay chúng ta học về chạy tiếp sức. Mục đích của bài này là các em được rèn luyện sức bền và sự phối hợp giữa các cá nhân trong một nhóm, một tổ. Giờ thì chúng ta chia nhóm…
- Thầy ơi! Hôm nay cho em báo cáo!
Nhỏ Ngân- Cô bạn có chiều cao khiêm tốn nhất tổ 1- lên tiếng. Thầy quay sang chỗ nó, ngạc nhiên:
- Hôm nay em… “ngày ấy”. Thầy cho em nghỉ ạ!
Na và mấy đứa con gái nhìn nhau, tụi nó hơi cúi đầu xuống tránh cái nhìn của thầy và giấu những nụ cười cùng ánh mắt tinh quái. Thực ra cái bài “ngày ấy” này mấy đứa hay dùng để tránh phải chạy học thể dục ngoài nắng.
- Được! Cho em nghỉ, nhưng không vào lớp mà ngồi ở đây bấm giờ theo dõi các bạn chạy!
Thầy thản nhiên nói. Ngân ta chưng hửng. Ngồi bấm giờ không mệt nhưng so với việc thoải mái bấm điện thoại trong lớp hay ghé căn tin ăn bánh tráng trộn thì đúng là cực hình.
- Dạ! Thôi thầy ơi! Em…em chạy cũng được ạ. Ngân rụt rè nói. Cả lũ bạn cười khúc khích. Thầy nghiêm mặt:
- Thầy biết lâu nay một số bạn nữ hay tìm cách tránh tập thể dục. Các em biết đấy. Nếu nhác học thì không rèn được sức khỏe, không cao lên và thể lực không dẻo dai, phản xạ không nhanh được. Thầy cười hóm hỉnh: Người ta nói rồi “Thích thể thao thì to tướng, thiếu thể thao thì tí tẹo”. Còn bây giờ. Bắt đầu các nhóm vào vạch và xuất phát. Một… Hai… Ba!
Thế là từng nhóm một kế tiếp nhau chạy trên con đường lát gạch vòng quanh sân trường. Bóng nắng lấp loáng trên tán những cây bàng cây phượng. Gió thổi mát rượi. Tiếng cười rộn rã của các nhóm chạy làm không gian như sáng bừng và rực rỡ hơn.
B.T